Nguồn chất béo trong cá bao gồm lipid và lipoid. Thành phần lipid của cá chủ yếu là các axít béo không no (hay còn gọi là không bão hòa). Bên cạnh các axít béo không no, các lipoid của cá còn có nhiều chất sinh học quan trọng như serebrorid, sterid, phosphatid… Phosphatid có ở khắp các tế bào trong cơ thể, tập trung chủ yếu ở bề mặt nguyên sinh chất của tế bào, tham gia vào quá trình chuyển hóa của tế bào. Phosphatid còn tham gia tích cực vào quá trình chuyển hóa mỡ, điều hòa chuyển hóa và ngăn ngừa tích lũy cholesterol trong cơ thể, thúc đẩy quá trình bài xuất cholesterol ra khỏi cơ thể. Trong các loại cá, đặc biệt ở đầu cá, có chứa nhiều axít béo chưa no omega-3 có hoạt tính sinh học cao. Axít béo omega-3 hạ thấp cholesterol máu, triglyceride máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và huyết áp cao, giảm nguy cơ lão hóa não, tăng cường hoạt động của trí nhớ. Hầu hết các loại cá có chứa axít béo omega-3, nhiều nhất là cá hồi, cá thu, cá trích.
Cá còn là nguồn cung cấp vitamin rất quan trọng. Mỡ cá, nhất là mỡ gan cá, có nhiều vitamin A, vitamin D. Lượng vitamin nhóm B ở cá tương tự như ở thịt. Cá có nguồn chất khoáng quý hơn thịt, cá sống ở biển chứa nhiều khoáng chất hơn cá nước ngọt. Ví dụ, trong 100 g cá diếc có: 70 mg canxi, trong 100 g cá dầu có 527 mg canxi, trong 100 g cá trạch có 109 mg canxi và ở cá quả là 90 mg canxi. Ở cá, các nguồn chất khoáng vi lượng như kẽm, cobalt, đồng, iốt… rất phong phú. Đặc biệt lượng iốt ở một số loài cá biển rất cao, rất cần cho sự tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp T3, T4. Ngoài ra, cá còn có chất DHA đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của các tế bào não và hệ thần kinh. Ông cha ta có câu: “Ngư nhục sinh tinh” (thịt cá sinh tinh trùng). Nam giới mắc bệnh hiếm muộn vì ít tinh trùng có thể ăn cá để dễ sinh con.
Các chuyên gia về dinh dưỡng khuyên chúng ta nên ăn cơm có cá ít nhất 3-4 bữa mỗi tuần để có sức khỏe tốt.
Bình luận (0)