Sau nhiều lần ngất xỉu thì lần gần đây nhất, ông N.V.T (70 tuổi, ngụ TP HCM) sau khi ngất đã đập đầu xuống bậc cầu thang nên gia đình đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cấp cứu.
Liên quan đến nhiều bệnh lý
Tại bệnh viện, ban đầu bệnh nhân không nghe được nhưng sau đó lại hoàn toàn tỉnh táo. Các bác sĩ đã siêu âm tim, siêu âm điện tâm đồ và không tìm ra vấn đề gì bất thường.
Khai thác thêm bệnh sử, gia đình bệnh nhân cho biết trước đó, ông T. đã ngất nhiều lần nhưng không xác định được nguyên nhân. Do đó, để tìm hiểu về tình trạng ngất đột ngột nhiều lần, ông T. được thực hiện nghiệm pháp bàn nghiêng. Đây là phương pháp để tái lập một cơn ngất trong môi trường an toàn có nhân viên y tế, giúp tìm ra nguyên nhân để giảm tần suất của ngất.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết sau thời gian đứng nghiêng 70 độ trong 20 phút, ông T. được xịt 1 giọt nitroglycerin dưới lưỡi. Ba phút sau, bệnh nhân cảm giác mệt, lả người, choáng váng. Kết quả cho thấy bệnh nhân ngất do thần kinh phế vị - nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng trên.
Các bác sĩ cho biết ngất mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu ban đầu cảnh báo nhiều bệnh lý khác
Theo bác sĩ Vui, triệu chứng ngất do thần kinh phế vị ban đầu biểu hiện của người bệnh có thể bị chuột rút hoặc buồn đi tiêu ngay trước khi bất tỉnh. Khác với tình trạng ngất của đột quỵ, bệnh nhân bị đột quỵ khi tỉnh dậy sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng vận động; còn đối với ngất do thần kinh phế vị, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn.
Bác sĩ Vui giải thích thêm khi ngất, người bệnh mất ý thức hoàn toàn, không duy trì tư thế đứng, xảy ra đột ngột, nhanh và sau đó phục hồi. Ngất được chia làm 3 nhóm chính: ngất do tim, ngất phản xạ và ngất do tụt huyết áp tư thế. Tần suất ngất tăng theo tuổi do bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch cũng như sự suy yếu của hệ thần kinh tự chủ.
Lý giải thêm về nguyên nhân ngất xỉu, thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết thường có 3 nhóm. Thứ nhất liên quan đến phản xạ thần kinh như: quá lo lắng/hoảng sợ, quá đau hoặc sau một số tình huống như hoạt động thể lực quá mức. Thứ hai, ngất do hạ huyết áp tư thế có thể liên quan đến thuốc như các nhóm thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống trầm cảm; bệnh nhân đang có tình trạng mất nước (tiêu chảy, nôn ói) hay mất máu; các bệnh lý thần kinh gây suy giảm chức năng thần kinh thực vật. Thứ ba là do bệnh lý tim mạch trong đó rối loạn nhịp tim là nguyên nhân chính, lúc này khi thăm khám bệnh nhân có thể có các rối loạn nhịp tim, huyết áp thấp, có các bất thường ở điện tim hay siêu âm tim.
"Ngất mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu ban đầu cảnh báo nhiều bệnh lý khác. Chính vì thế, khi bị ngất thường xuyên, người bệnh nên trực tiếp đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra và kịp thời can thiệp khi phát hiện các bệnh lý nguy hiểm khác, tuyệt đối không được chủ quan với sức khỏe của mình" - bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh.
Xử trí khi có người ngất xỉu
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui, ngất rất hay gặp trong cuộc sống nhưng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tỉ lệ ngất tái phát cao. Bệnh nhân thường không đi khám vì nghĩ rằng không có di chứng hay ảnh hưởng gì. Theo thống kê, có khoảng 95% người bệnh bị ngất lần đầu tiên trước tuổi 40. Nếu bị ngất xỉu đột ngột lần đầu tiên sau 40 tuổi, có thể liên quan đến bệnh lý nào đó. Ở người lớn tuổi, ngất thường do bệnh lý tim mạch, huyết áp thấp hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Bác sĩ Vui cho biết trước khi ngất, một số người có dấu hiệu như tối sầm mặt, nhẹ hẫng đầu, chóng mặt, lảo đảo, cảm giác không vững khi đứng; một số người cảm giác nhẹ đầu, buồn nôn và đánh trống ngực. Đặc biệt, người có nguy cơ bị ngất sẽ cao hơn nếu hiến máu khi chưa ăn, đứng quá lâu hoặc nằm quá lâu rồi đứng dậy đột ngột, người đang mắc bệnh lý về tim, thần kinh căng thẳng, bệnh huyết áp thấp…
"Do đó, nếu cảm thấy xuất hiện những triệu chứng như trên, đừng đứng dậy. Nếu đang đứng thì từ từ tìm chỗ nằm ngay xuống. Hãy nằm nghỉ, gác chân cao hơn đầu chờ các triệu chứng qua đi trong vài phút. Nếu không đỡ hoặc bắt đầu thấy đau ngực hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu" - bác sĩ Vui hướng dẫn.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa nói thêm khi có người ngất cần sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho người bệnh nằm ngửa, đầu thấp hơn chân; nới lỏng ở các vị trí áo quần bó sát người; đặt đầu nghiêng sang một bên để đề phòng hít sặc các chất nôn; kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn về đường thở, hô hấp, mạch và huyết áp; kiểm tra xem trên người bệnh nhân có vết thương hay không để xử trí cầm máu. Thông thường ngất sẽ ngay lập tức hồi phục và không đe dọa tính mạng nhưng nếu người bệnh khi đánh giá sinh hiệu không bảo đảm thì cần tiến hành cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn ngay (hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực) và nên liên hệ xe cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Tìm nguyên nhân phòng ngất tái phát
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa ngất xỉu thì hiểu biết về nguyên nhân gây ra ngất xỉu là một nửa chiến thắng. Nếu đã trải qua ngất, người bệnh có thể ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo, triệu chứng ngất và có thể tránh nó bằng cách loại bỏ nguyên nhân.
Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là điều trị nguyên nhân gây nên ngất nhằm giảm khả năng tái phát các cơn ngất và các hậu quả nghiêm trọng về sau. Đối với nguyên nhân liên quan đến phản xạ thần kinh, người bệnh cần chú ý đến các yếu tố kích thích (ví dụ như người bệnh sợ máu khi lấy máu xét nghiệm thì nên nhìn vào nơi khác hoặc để an toàn là cho người bệnh nằm khi lấy máu), ngưng hay điều chỉnh lại liều thuốc huyết áp người bệnh đang sử dụng; uống đủ nước, nằm đầu cao hay đeo vớ y khoa đối với nhóm nguyên nhân gây hạ huyết áp tư thế; điều trị các rối loạn nhịp tim có thể dùng thuốc hay đặt máy tạo nhịp khi có các bất thường về tim.
Ngoài ra, cần lưu ý nếu bệnh nhân bị ngất nhiều lần nên đến bệnh viện thăm khám và xác định nguyên nhân gây ngất (nếu có), đồng thời sàng lọc và loại bỏ những biến chứng có thể xảy ra nặng hơn khi ngất đột ngột.
Bình luận (0)