"Mũi tiêm kép" này từng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo từ đầu mùa thu năm ngoái, trước mối đe dọa bùng phát kép COVID-19 và cúm, chưa kể các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác khi thời tiết ngày một lạnh hơn.
Tuy nhiên lời khuyên này vẫn bị nhiều người nhìn vào một cách đầy thận trọng, hệ thống y tế nhiều nước cũng lưỡng lự khi triển khai do lo ngại gia tăng phản ứng bất lợi hoặc gây tương tác không mong muốn giữa các vắc-xin. Nhiều cuộc tranh cãi nổ ra trong giới học thuật Mỹ, theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y học Vaccine.
Tiêm cúm và COVID-19 cùng lúc không gây ra các bất lợi mà nhiều người hoài nghi, theo nghiên cứu mới - Ảnh: MEDICAL XPRESS
Trong đó, các nhà khoa học từ Brooks College of Health - trường Y khoa trực thuộc Đại học North Florida - đã thử tìm hiểu điều này bằng cách theo dõi phản ứng miễn dịch ở hơn 21.000 người Mỹ, trong đó khoảng 6% chỉ tiêm vắc-xin cúm, 29,1% chỉ tiêm vắc-xin COVID-19, 42,5% tiêm cả 2 loại và 22% không tiêm loại nào để đối chứng.
Kết quả cho thấy những người nhận mũi tiêm kép giảm nguy cơ mắc COVID-19 đáng kể so với những người hoàn toàn không tiêm chủng, tức lời đồn rằng vắc-xin cúm vô hiệu hóa vắc-xin COVID-19 là không đúng với thực tế lâm sàng.
Về khả năng giảm bệnh nặng khi mắc COVID-19, mức ghi nhận ở người đã tiêm vắc-xin kép và người chỉ tiêm COVID-19 là như nhau. Kết quả này cũng cho thấy chính vắc-xin COVID-19 mới làm giảm nguy cơ bệnh nặng, chứ chỉ tiêm cúm không tạo ra phản ứng chéo giúp giảm COVID-19 nặng như mọi người mong đợi - dù nó có thể ngăn ngừa tình huống "khó khăn nhân đôi" là đồng nhiễm COVID-19 - cúm.
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng nghiên cứu cho thấy việc tiêm các mũi tiêm kép là rất tốt để giảm gánh nặng bệnh tật trong bối cảnh "song dịch", "tam dịch" bủa vây các nước sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp. Điều này cũng giúp tiết kiệm và tiện lợi vì mọi người không phải đi lại đến 2 lần để nhận 2 loại vắc-xin.
Bình luận (0)