PGS-TS Nguyễn Đại Hải (Viện khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) cho biết so với cấy ghép bằng xương tự thân (hay còn gọi là xương tự nhiên, xương đồng loại) thì cấy ghép xương nhân tạo từ lâu đã được ngành y đặc biệt quan tâm bởi giúp người bệnh không phải đau đớn khi phải phẫu thuật cắt xương.
Khuynh hướng sử dụng xương nhân tạo ngày càng phổ biến, nhưng việc nghiên cứu phát triển vật liệu y sinh nói chung và vật liệu xương nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn cung cấp xương nhân tạo tại Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nên giá thành còn cao.
Nghiên cứu sản xuất hợp chất α-HH và BCP quy mô 1.000 gam/mẻ tại Viện khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Sau 2 năm nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Đại Hải và nhóm cộng sự đã hoàn thành việc nghiên cứu tổng hợp, đánh giá tính chất sinh học, hóa lý của vật liệu α-HH và BCP; xây dựng quy trình tổng hợp 2 loại vật liệu này ở quy mô 1.000 gam/mẻ hướng đến sản xuất ở quy mô công nghiệp trong nước. Nhóm nghiên cứu cũng hoàn thành nội dung xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho bán thành phẩm α-HH và BCP phù hợp với các quy định của ngành y tế.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm cấy ghép xương từ vật liệu thay thế α-HH và BCP trên thỏ để đánh giá khả năng tái tạo xương trên động vật. Kết quả cho thấy các vật liệu đã kết hợp tốt với xương vật chủ, sự hình thành xương mới thâm nhập vào cấu trúc của vật liệu, không có dấu hiệu của sự đào thải và các phản ứng sinh học của vật liệu cấy ghép α-HH và BCP.
Bình luận (0)