Công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả đến từ nhiều đơn vị trực thuộc Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung (Vũ Hán - Trung Quốc) đã dựa trên bộ dữ liệu khổng lồ thu thập bởi Nghiên cứu dài hạn về y tế và hưu trí Trung Quốc, cho thấy thời gian ngủ tác động mạnh mẽ tới nguy cơ ung thư.
Ngủ quá ít có thể làm tăng mạnh nguy cơ ung thư - Ảnh minh họa từ iStock
Với tổng thời gian ngủ ít hơn 7 giờ một ngày, nguy cơ ung thư sẽ cao hơn đến tận 69% so với người ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày.
Với người ngủ đủ tổng thời gian nhưng ngủ đêm lại dưới 6 tiếng, nguy cơ ung thư tăng 41%, trong đó phụ nữ bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nam giới.
Và nếu như bạn đang băn khoăn có nên ngủ trưa hay không, thì nghiên cứu mới này cũng cho thấy những người không ngủ trưa có nguy cơ ung thư cao hơn tới 60% so với người ngủ trưa ít nhất 1 giờ mỗi ngày.
Nghiên cứu mang tính thống kê, chưa giải thích về mặt cơ chế. Tuy nhiên bình luận trên CNA, BS Wong Sheau Hwa từ Phòng khám Sức khỏe tâm lý và giấc ngủ SH Wong thuộc Trung tâm Y tế Mount Elizabeth (Singapore), người không tham gia nghiên cứu, cho biết sự gián đoạn nhịp sinh học có thể là nguyên nhân.
Gián đoạn nhịp sinh học sẽ làm tăng việc cơ thể sản xuất hormone gây căng thẳng và gây ra stress oxy hóa làm tổn thương các mô và tế bào.
Sau đó, nó khởi động một phản ứng dây chuyền có thể dẫn đến viêm mạn tính và cuối cùng tạo ra môi trường thuận lợi cho các tế bào ung thư phát triển và tăng trưởng.
"Tuy nhiên, mối liên hệ giữa giấc ngủ kém mạn tính và bệnh ung thư vẫn còn phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ" - BS Wong Sheau Hwa nói thêm.
Dù vậy, các tác giả từ nghiên cứu trên Cancer nhấn mạnh giấc ngủ theo thói quen là một hành vi lối sống có thể sửa đổi.
Ngoài ra, đánh giá thói quen ngủ có thể mang lại lợi ích cho các chiến lược tầm soát ung thư, vì đó có thể xem như một yếu tố giúp dự đoán rủi ro ung thư.
Bình luận (0)