Mỗi buổi sáng, bạn có thể nhìn thấy vô số hình ảnh đẹp lẫn xấu trên đường đi làm, khi đọc báo, lướt mạng xã hội.
Nếu ngủ đêm đủ 8 giờ/ngày, bạn sẽ dễ dàng dung hòa các thông tin, bỏ qua những hình ảnh không vui và tiếp tục một ngày bình thường. Nhưng nếu thiếu ngủ, bạn sẽ "mắc kẹt" lại với những hình ảnh xấu xí, buồn bã, đau thương, đầu óc lẩn quẩn về chúng mãi mà không thể dứt ra. Điều đó khiến bạn buồn bã, lo lắng thái quá hoặc "dễ điên" với mọi người.
Thiếu ngủ có thể dẫn đến bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu - ảnh minh họa từ Internet
Đó là những thông tin trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí ScienceDirect của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Binghamton ở New York (Mỹ). Để nghiên cứu, họ đã dùng những thiết bị chuyên dụng theo dõi các chuyển động mắt của người tham gia trong khi họ được xem nhiều hình ảnh tích cực lẫn tiêu cực, từ đó phân tích sự chú ý của họ.
Các nhà khoa học tìm ra sự liên quan mật thiết giữa một đêm ngủ bị gián đoạn, bị thiếu ngủ với việc người đó chỉ tập trung vào những thông tin tiêu cực. Không chỉ quá tập trung, họ còn tiếp nhận và phân tích một cách tiêu cực hơn nữa về các thông tin đó, khó lòng dứt ra khỏi nó để tập trung vào một việc gì khác.
Theo Giáo sư tâm lý học Meredith Coles và các cộng sự tham gia nghiên cứu, hiện tượng này gọi là "có mức độ suy nghĩ tiêu cực lặp lại ở mức độ vừa phải đến mức độ cao". Về lâu dài, điều này có thể khiến một người phát triển các bệnh về tâm lý – tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu.
Ngược lại, suy nghĩ quẩn quanh những hình ảnh tiêu cực, bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu cũng khiến người mắc phải ngủ ít hơn, khó ngủ hoặc ngủ trễ.
Nghiên cứu này nhằm gợi ý cho các bác sĩ tâm lý – tâm thần thử điều trị cho bệnh nhân rối loạn lo âu và trầm cảm bằng cách điều chỉnh giấc ngủ của họ. Ví dụ như có thể chuyển chu kỳ ngủ của bệnh nhân vào khung giờ lành mạnh hơn hoặc giúp họ ngủ nhiều hơn vào ban đêm, tốt nhất là đủ 8 giờ mỗi đêm.
Bình luận (0)