Gần đây TP Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, trong đó nhiều trường hợp phát hiện tại các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối... nơi nhiều người tập trung, qua lại.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 29-4 đến nay, Hà Nội có 1.559 trường hợp dương tính mới, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 928, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 631.
Đến nay, Hà Nội đã phong tỏa ít nhất 4 chợ do liên quan đến các ca dương tính là tiểu thương. Trong đó có chợ đầu mối Long Biên, chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ, quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Minh Khai, chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)...
Lực lượng chức năng kiểm phiếu ra vào chợ của người dân, đồng thời nhắc nhở mọi người chú ý giãn cách khi vào chợ - Ảnh: Ngô Nhung
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều quận trên địa bàn Hà Nội đã triển khai phát thẻ đi chợ luân phiên cho người dân theo giờ và theo ngày chẵn, lẻ nhằm giảm thiểu tối đa lượng người đi chợ, hạn chế tập trung đông người, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng người dân đi chợ 2 ngày/lần như hiện này vẫn là "hơi dày". Theo PGS Phu, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn vừa qua là cần thiết để ngăn chặn nguồn lây nhiễm ngoài cộng đồng. Dù vậy, tại Hà Nội, số ca dương tính có xu hướng lan rộng ngoài cộng đồng, trong đó có những nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị.
"Chợ lại là nơi có dịch tễ phức tạp, khi có ca mắc thì việc truy vết dịch tễ cũng khó khăn, do đó người dân nên đi chợ với tần suất 2 lần/tuần, thay vì cách nhật như hiện nay. Trong mỗi lần đi chợ người dân nên tập trung mua những đồ thiết yếu, đồ thật sự cần thiết và mua đủ dùng cho vài ngày để hạn chế việc phải ra ngoài, tiếp xúc nhiều người trong quá trình mua bán"- PGS Phu khuyến cáo.
Tiểu thương chăng dây giữ khoảng cách để hạn chế tiếp xúc gần
Cũng theo PGS Phu, để việc mua bán diễn ra nhanh chóng trong mỗi lần đi chợ, người mua nên kê danh mục những loại hàng hóa cần mua vào giấy để không mất nhiều thời gian ở những khu vực có nguy cơ, nơi có nhiều người qua lại. Trước khi đến chợ mua hàng, người dân cần rửa tay sát khuẩn để tránh lây nhiễm cho người bán hoặc qua hàng hóa để lây nhiễm cho khách hàng khác. Sau khi mua hàng về cần rửa tay, sát khuẩn.
PGS Phu cũng khuyến cáo chính quyền, ban quản lý các chợ cần sắp xếp lại việc bán hàng của các tiểu thương và người dân, chỉ nên cho bán những sản phẩm thiết yếu, đặc biệt chú ý khoảng cách giao tiếp giữa hai người. Cùng đó, bố trí đường đi mua hàng theo một chiều, tức vào một đầu, ra một đầu.
Hiện một số nơi đã có những giải pháp giữ khoảng cách như tấm kính chắn hoặc che nylon, đặt các dấu chân, căng dây, đeo tấm chắn khi bán hàng... để hạn chế việc tiếp xúc gần. Tuy nhiên, tại những nơi có nguy cơ cao, người đi chợ và người bán hàng vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế nhằm hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.
Bình luận (0)