Bệnh nhân là anh H.N.T (35 tuổi, ngụ Kiên Giang) đến khám trong tình trạng huyết áp tăng, yếu nửa người trái không rõ nguyên nhân, giọng nói ngọng không rõ lời. Anh T. đã đi khám tại bệnh viện ở địa phương nhưng kết quả chụp CT sọ não không phát hiện bất thường, được cho thuốc uống nhưng không bớt, sốt ruột nên người nhà đưa anh T. lên TP HCM.
Tại Bệnh viện Gia An 115, kết quả chụp MRI cho thấy anh T. bị nhồi máu não đỉnh thái dương. Vì anh T. đã qua giai đoạn vàng can thiệp nên chỉ có thể tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để tránh nguy cơ tàn phế sau cơn tai biến.
Ngoài ra, anh T. đã được thực hiện một số cận lâm sàng để truy tìm "thủ phạm" gây đột quỵ. Kết quả các bác sĩ phát hiện anh T. có một lỗ bầu dục ở giữa hai buồng tim (tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái), một dạng thông liên nhĩ lỗ nhỏ dễ tạo huyết khối gây đột quỵ. Anh T. được can thiệp bít thông liên nhĩ thành công, hiện tình trạng sức khỏe ổn định.
Bác sĩ chỉ ra lỗ rò giữa tim bệnh nhân và đã bít được
Theo BSCK2 Dương Duy Trang, Trưởng Khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp Bệnh viện Gia An 115, đây là một ca bệnh đột quỵ ở người trẻ với nhiều yếu tố may mắn. Thứ nhất, bệnh nhân được phát hiện nhồi máu não đỉnh thái dương sớm. Nếu không được phát hiện và luyện tập, bệnh nhân có thể phải sống cả đời với di chứng yếu liệt tay chân và giảm khả năng ngôn ngữ sau cơn tai biến. Thứ hai, bệnh nhân được phát hiện thông liên nhĩ và can thiệp kịp thời. Với tình trạng thông liên nhĩ lỗ nhỏ kín đáo dễ bỏ sót, nguy cơ tái phát đột quỵ rất cao, đe dọa tính mạng cũng như sức khỏe của bệnh nhân.
Bình luận (0)