Ngày 23-9, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết bệnh viện tiếp nhận điều trị một phụ nữ còn trẻ nhưng mắc chứng "run rẩy" (Parkinson) không kiểm soát và mất khả năng ngửi mùi. Bệnh nhân là chị N.T.K.O (39 tuổi, ngụ Đồng Nai).
2 năm về trước, chị O. được chẩn đoán bị bệnh Parkinson. Ban đầu, chị bị run tay phải, cử động chậm chạp và mất khả năng ngửi mùi. Khám bệnh tại địa phương, chị được chỉ định điều trị bằng thuốc levodopa (thuốc điều trị chứng cứng cơ, run rẩy, co giật và mất kiểm soát cơ bắp do bệnh Parkinson). Sau 1 năm dùng thuốc, chị O không thuyên giảm bệnh, mà còn xuất hiện thêm bệnh mới là bị loạn động và dao động vận động.
Số người mắc bệnh Parkinson dưới 40 tuổi ngày càng tăng
Tại Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược, các bác sĩ khám và đề nghị người bệnh giảm liều thuốc levodopa, thêm thuốc đồng vận dopamine và trihexyphenidyl. Sau điều chỉnh thuốc, bệnh trạng chị O. ngày càng ổn định, không bị tác dụng phụ mà vẫn đạt hiệu quả điều trị tốt.
Theo TS-BS Trần Ngọc Tài, Phó Khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị rối loạn vận động Bệnh viện Đại học Y Dược, lượng người bệnh Parkinson đến khám và điều trị có xung hướng tăng nhanh. Từ tháng 9-2018 đến nay, trong số 8.000 lượt người bệnh đến khám bệnh, đã có 2.700 trường hợp bị bệnh Parkinson.
"Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có đến 10% trường hợp khởi phát dưới tuổi 40 (cả nam và nữ) gây khó khăn cho các hoạt động sống hằng ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, sau 5 - 7 năm người bệnh sẽ có nguy cơ bị tàn phế", BS Trần Ngọc Tài nhấn mạnh.
Bình luận (0)