Mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Lancaster (Anh) vừa phát hiện ra thuốc trị tiểu đường type 2 thế hệ mới – nhóm triple receptor – có thể giảm đáng kể các triệu chứng mất trí nhớ do Alzheimer.
Alzheimer đã có thuốc chữa? - ảnh: THE SUN
Thí nghiệm trên những con chuột bị thoái hóa tế bào thần kinh nghiêm trọng cho thấy sau một thời gian dùng thuốc tiểu đường, khả năng nhận biết cái mới và trí nhớ của chúng tốt lên một cách đáng ngạc nhiên.
Nhóm nghiên cứu cho biết thuốc tiểu đường phát huy tác dụng bảo vệ chức năng của các tế bào thần kinh, giảm các vùng não liên kết với bệnh Alzheimer, đồng thời làm chậm tốc độ mất tế bào.
Theo giáo sư Christian Holscher, thành viên nhóm nghiên cứu, hiện công trình vẫn trong giai đoạn thí nghiệm. Trước đó, nghiên cứu lâm sàng trên một loại thuốc tiểu đường cũ hơn cũng cho kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn cần thêm các xét nghiệm so sánh những loại thuốc khác.
Trước đó, một nghiên cứu khác của Nhật Bản cũng tìm ra phương án trị Alzheimer thông qua việc kết hợp thuốc trị Parkinson, hen suyễn và động kinh. Theo bài báo cáo được công bố trên tạp chí khoa học Cell Reports (Mỹ), sự kết hợp này giúp giảm lượng protein amyloid beta, một chất tích tụ trong não của người bệnh, từ đó trì hoãn sự khởi phát của bệnh và chữa bệnh.
Để tiến hành thí nghiệm, nhóm nghiên cứu Nhật Bản này – do giáo sư Haruhisa Inoue, Đại học Kyoto đứng đầu – đã sử dụng tế bào gốc đa năng iPS để tạo ra các tế bào thần kinh phục vụ cho thí nghiệm. Họ đã thử nghiệm tới 1.258 loại thuốc khác nhau để đi đến sự lựa chọn này. Khi áp dụng phương pháp trên, sự hình thành beta amyloid giảm đến 30%.
Alzheimer là chứng mất trí phổ biến nhất ở nhiều quốc gia. Ở Anh, căn bệnh này được xác định là nguyên nhân tử vong sớm hàng đầu, tỉ lệ cao hơn cả đau tim.
Bình luận (0)