Khi bị bệnh, ai cũng muốn tìm đến bác sĩ (BS), thế nhưng một trong những bệnh có xu hướng đang gia tăng là tự tử lại chỉ được nhiều người coi đó là vấn đề tâm lý chưa được quan tâm và điều trị đúng cách.
Thoát chết vẫn không thiết sống!
Sau khi được lực lượng chức năng giải cứu từ cây cột cao gần 10 m trong ngõ 109 đường Trường Chinh (Hà Nội), ngay tối hôm đó, một cô gái lại nhảy xuống hồ Thủ Lệ tự tử. lực lượng bảo vệ và công an phường với xuồng máy cũng không thể cứu kịp nạn nhân. Mới đây, tại TPHCM một thiếu nữ vì mặc cảm với bệnh ra mồ hôi tay chân đã tìm đến cái chết sau hai lần tự tử. Dù sau lần tự tử đầu tiên được cứu sống, các BS đã đề nghị bệnh nhân vào viện điều trị nhưng gia đình không tin nên để con ở nhà chăm sóc.
Một trường hợp tự tử được cứu sống đang điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
Theo TS-BS Ngô Thanh Hồi, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), với trường hợp như thế này, cho dù nạn nhân được cứu khỏi ý định tự tử nhưng chưa “cắt” được ý định tìm đến cái chết nên họ vẫn tiếp tục lặp lại hành vi và dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Chính vì thế, có rất nhiều trường hợp dại dột tự tử và họ đã thực hiện hoàn tất hành vi do không được phát hiện sớm để trị liệu tâm lý cũng như bệnh lý. Bác sĩ Hồi dẫn chứng mới đây, một nữ sinh quê ở Hải Dương nhảy từ tầng 4 ở một trường đại học, sau khi được cứu sống, nạn nhân được chuyển sang điều trị tâm lý nên hiện tại tinh thần đã chuyển biến rất tốt.
BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, cho biết tất cả những người có ý định tự tử hoặc có hành vi tự tử đều được coi là đối tượng cần cấp cứu về mặt tâm thần.
Vì thế, khi một ai đó có ý định tự tử hoặc toan tự tử (chuẩn bị dụng cụ như dây, dao kéo, thuốc, hóa chất…) thì cần được đưa đến BS chuyên khoa tâm thần để khám và có hướng điều trị. “Ngay cả với những người dọa tự tử, chúng ta cũng không được coi thường mà phải thấy ngay đó là dấu hiệu bất thường cần liệu pháp tâm lý hoặc điều trị bằng thuốc. Con người bình thường ai cũng muốn sống, khi muốn chết thì rõ ràng đó là bất thường. Nếu không được cấp cứu kịp thời từ ý nghĩ toan tự tử thì sẽ không “cắt” được ý định nên hầu hết những người đã tự tử lần 2, lần 3 đều hoàn tất hành vi.
Áp lực từ cuộc sống
BS Tuấn cũng cho biết những người dễ bị thương tổn trong tình cảm, thiếu nghị lực, khi gặp khó khăn mà không thỏa mãn hay những người trầm cảm, tâm thần phân liệt, lạm dụng dược chất… rất dễ dẫn đến hành vi tự tử. Nhiều nghiên cứu cho thấy một tỉ lệ cao các trường hợp tự tử là nạn nhân có bệnh tâm thần kèm theo. Trong số những bệnh nhân trầm cảm nặng thì 10% - 15% sẽ tự tử.
Đáng báo động, hành vi tự tử ở giới trẻ do áp lực từ cuộc sống, gia đình, công việc… đang có xu hướng gia tăng. Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu do tự tử mà phần lớn từ 19 - 30 tuổi, trong đó khá nhiều trường hợp có nguyên nhân từ mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, người yêu.
Theo TS-BS Ngô Thanh Hồi, tất cả những trường hợp biểu lộ ý định tự tử, có kế hoạch tự tử hay những bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng loạn tâm thần đều cần sự can thiệp của chuyên khoa về tâm thần. Ngoài ra, những bệnh nhân vừa thực hiện một toan tính tự tử hung bạo, những bệnh nhân trong lúc toan tính tự tử đã cố tránh sự cứu thoát và từ chối sự giúp đỡ cần được cấp cứu về y khoa, kể cả những trường hợp tự tử bằng hóa chất, thuốc ngủ… nhưng được cứu sống sau đó cũng cần tiếp tục điều trị về sức khỏe tâm thần.
Cần sự động viên từ gia đình, xã hội
Theo TS-BS Ngô Thanh Hồi, những người từng có ý định tự tử được cứu sống, nếu không được điều trị thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi lẽ những di chứng về mặt tinh thần sau khi tự tử sẽ còn theo đuổi họ rất lâu, trong nhiều trường hợp, hành vi này sẽ lặp lại.
Vì thế ngoài việc thăm khám thường xuyên và điều trị bằng thuốc thì sự hỗ trợ, động viên của gia đình, trường học, xã hội cũng đóng vai trò quan trọng giúp họ thăng bằng trở lại trong cuộc sống. |
Bình luận (0)