Sáng 11-8, tại lễ phát động cuộc thi "Tôi khoẻ đẹp hơn" do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi, cho biết theo thống kê, hàng năm tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch…
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cảnh báo nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm do lười vận động- Ảnh: Trần Minh
Với mục tiêu giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, thể lực và trí tuệ của người Việt, ngày 5-1-2022, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ trưởng Thuấn cho rằng từ những hoạch định chiến lược, thời gian qua các địa phương, cơ sở y tế và mỗi người dân… đang có sự cải thiện về chỉ số sức khỏe.
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã đạt mức trung bình. Cùng đó, chiều cao người Việt đã có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi (đạt 168,1 cm năm 2020, tăng 3,7 cm so với năm 2010: 164,4 cm), nữ thanh niên (đạt 156,2 cm năm 2020, tăng 1,4 cm so với năm 2010: 154,8 cm).
"Khỏe và đẹp không chỉ mang ý nghĩa với mỗi cá nhân để thỏa mãn sự tự tin về hình thể, khỏe và đẹp còn là một yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế. Khỏe và đẹp không chỉ nói về những số đo đạt chuẩn mà còn là sự nỗ lực, quyết tâm thay đổi bản thân, khao khát vận động mỗi ngày" - Thứ trưởng Thuấn nói.
Một giải chạy được tổ chức ở Hà Nội - Ảnh: CAND
Đánh giá về vai trò của vận động đối với sức khoẻ, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho biết các nghiên cứu cho thấy hiện các chỉ số về chiều cao, cân nặng và các tố chất thể lực, sức bền bỉ của người Việt Nam kém xa với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do người Việt Nam còn lười vận động, tập trung ở nhóm người đi làm, thanh niên và cả trẻ em.
"Thiếu vận động thể lực kéo theo một loạt nguy cơ mắc phải các bệnh không lây nhiễm do béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, xương khớp..."- PGS Lâm lưu ý.
Nghiên cứu từ Viện dinh dưỡng thế giới cũng cho thấy trung bình người Việt Nam đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng với giới văn phòng chỉ khoảng 600 bước mỗi ngày, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là con số 10.000 bước/ngày. Đáng chú ý, có tới 30% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh, của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.
Bình luận (0)