Mới đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) TP Thủ Đức (TP HCM) tiếp nhận một trường hợp bị viêm tụy cấp do tăng triglyceride nặng. Bệnh nhân là B.T.Đ (50 tuổi), nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, liên tục, bụng trướng và buồn nôn.
Hạn chế thức ăn nhanh
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân, Khoa Cấp cứu BV TP Thủ Đức, cho biết theo chức năng sinh lý bình thường, tuyến tụy sẽ tiết ra các men tụy để góp phần vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men này được tiết ra dưới dạng không hoạt động (tiền men) và chúng chỉ được hoạt hóa trở thành có tác dụng ở tá tràng. Tình trạng viêm tụy cấp là một tiến trình tự hủy mô do chính men tụy gây ra. Biểu hiện thường thấy là đau bụng dữ dội, nôn mửa...
Nếu dịch tiêu hóa rò rỉ ra ngoài tuyến tụy có thể ăn mòn các cơ quan nội tạng lân cận, gây suy đa cơ quan, đe dọa tính mạng. Ở một số người có cơ địa gầy, mỗi bữa ăn dù có nạp lượng dinh dưỡng với số lượng nhiều thì các chỉ số trong cơ thể dường như không thay đổi. Nhưng với nhóm người thừa cân, cơ thể tích tụ nhiều mỡ thì mỗi bữa ăn thịnh soạn lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Viêm tụy cấp do tăng triglycerid là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa thường xảy ra sau các bữa ăn thịnh soạn, chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đạm, đặc biệt là sau những lần uống rượu, bia. Thời gian vừa qua BV TP Thủ Đức đã tiếp nhận khá nhiều ca cấp cứu về viêm tụy (do ăn uống tiệc tùng thịnh soạn trong dịp Tết). Một nguyên nhân cũng góp phần gây ra bệnh này là lối sống thụ động, không tập thể dục trong khi ăn nhiều dầu mỡ.
"Để giảm lượng triglyceride, mỗi người cần giảm cân hợp lý; hạn chế tiêu thụ lượng đường quá mức; thực hiện chế độ ăn ít tinh bột, ăn nhiều chất xơ, tránh chất béo trans (chuyển hóa) - chất béo được hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn, giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn nhưng lại độc hại khi dùng nhiều có nhiều trong đồ ăn nhanh, chế biến, đóng gói sẵn; cần tập thể dục thường xuyên…" - bác sĩ Nhân khuyến cáo.
Một ca viêm tụy cấp đang được chữa trị tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM)
Không dùng rượu, bia quá mức
Bệnh nhân T.T.T (37 tuổi, ở tỉnh Long An) vừa được BV Bình Dân cứu sống. Anh T. nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng bụng trên bên trái, vã mồ hôi, bụng trướng căng, sốt cao 38 độ C.
Do gia đình kinh doanh bia nên anh T. hay uống bia. Uống nhiều thành quen trong nhiều năm nay, ngày nào cũng uống khoảng 0,5 đến 1 lít bia. Trước khi nhập viện 3 ngày, sau một cuộc nhậu "thả ga", anh T. đau bụng nhiều kèm nôn ói, bụng trướng. Cấp cứu tại BV Bình Dân, anh T. được chẩn đoán viêm tụy hoại tử nặng kèm tổn thương thận cấp và nhiễm khuẩn huyết kết hợp. Sau khi điều trị lọc máu liên tục, dẫn lưu ổ tụ dịch hoại tử, anh T. mới qua được cơn nguy kịch.
ThS-BS Nguyễn Thanh Phương, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Bình Dân, cho biết hầu hết (khoảng 80%) các trường hợp viêm tụy hoại tử nặng đều là nam giới, độ tuổi trung bình từ 30-40 và khởi phát đau sau khi uống rượu, bia. Người bị viêm tụy cấp hoại tử thường có tiên lượng rất xấu, diễn tiến suy đa cơ quan và tỉ lệ tử vong hơn 30%. Lạm dụng rượu, bia được xác định là nguyên nhân của 70% trường hợp viêm tụy mạn tính.
Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm dùng thuốc, nhiễm trùng (do sỏi đường mật trên bệnh nền đái tháo đường), rối loạn chuyển hóa hoặc không rõ lý do.
Những người thường xuyên uống rượu, bia hoặc có tiền sử viêm tụy trước đây cần trang bị kiến thức cho bản thân và gia đình về bệnh lý này. Khi có dấu hiệu như đau bụng dữ dội, bí trung - đại tiện, nôn ói, trướng bụng sau bữa ăn thịnh soạn hoặc uống rượu, bia kéo dài, cần nghĩ đến khả năng xảy ra viêm tụy cấp để đến BV điều trị kịp thời.
Bình luận (0)