Liên quan đến thông tin hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) căng băng rôn trước cổng bệnh viện cầu cứu về việc bị nợ lương trong thời gian dài, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 12-1, một đại diện Bộ Y tế cho biết đã nắm được thông tin về sự việc và đang yêu cầu ban giám đốc bệnh viện báo cáo sự việc.
Trước đó, chiều 12-1, hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã căng băng rôn yêu cầu trả lương. Nguyên nhân là suốt hơn 8 tháng qua, họ bị nợ 50% số lương cơ bản. Theo nhiều nhân viên y tế, số tiền lương ít ỏi họ nhận hàng tháng không thể đủ cho họ trang trải cuộc sống, nhiều người đã phải bán hàng, bán rau quả sau giờ làm việc để có thêm thu nhập.
Hàng trăm nhân viên y tế bị nợ lương
Một nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết gần 2 tháng qua, sau nhiều lần kêu cứu, gửi đơn tới các cơ quan chức năng, cuối tháng 11 vừa qua, lãnh đạo Học viện đã làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi cho hơn 160 y, bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Trước đó, chiều ngày 19-11-2021, tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã đề xuất với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tạm dừng tự chủ Bệnh viện Tuệ Tĩnh để có nguồn cấp ngân sách chi trả cho cán bộ công nhân viên.
Theo PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị trực thuộc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam. Những ngày qua, cán bộ nhân viên của bệnh viện đã gặp khó khăn do lương nhận không đầy đủ, nguyên nhân liên quan tới việc bệnh viện tự chủ. Đặc biệt, lĩnh vực tự chủ của bệnh viện là y học cổ truyền, lĩnh vực khá đặc thù. Cũng đúng trong thời gian tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, dịch Covid-19 bùng phát nên càng thêm khó khăn.
PGS-TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam, cho biết bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019 - 2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu, bệnh viện không đạt được kế hoạch như dự kiến. Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện chỉ dành ưu tiên trả lương một số khoản chi nhất định, các khoản chi thường xuyên khác phải tạm ứng từ bệnh viện và vay từ các nguồn khác để chi trả.
Năm 2020, ảnh hưởng dịch bệnh, số lượng bệnh nhân tới khám giảm khiến nguồn thu sụt giảm. Tình hình tài chính của bệnh viện đã khó khăn lại càng thêm khó. Bệnh viện tiếp tục phải vay từ học viện để chi trả. Tính tới 31-12-2020, số tiền bệnh viện chi vượt quá là hơn 9 tỉ đồng.
Năm 2021, dịch bệnh, bệnh viện giãn cách và bệnh nhân giảm, tăng chi phí đảm bảo phòng chống dịch. Bệnh viện đã thực hiện nhiều cắt giảm, xin bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ từ công đoàn y tế, tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng nợ lương trong 6 tháng vừa qua.
Theo ông Tuấn, với những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, học viện đề xuất xin tạm dừng loại hình là đơn vị chi thường xuyên (tự chủ) sang tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Việc tạm dừng tự chủ sẽ giúp cho bệnh viện giải quyết được những khó khăn trước mắt, ổn định đời sống cho nhân viên y tế tập trung phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh.
Một số hình ảnh nhân viên y tế yêu cầu trả lương:
Bình luận (0)