Để cơ thể khỏe mạnh, vóc dáng cân đối, ngày càng nhiều người chọn tập luyện thể dục thể thao hay yoga. Tuy nhiên, để tiện lợi và tiết kiệm chi phí, thay vì tập với huấn luyện viên, nhiều người tự tập hoặc tập tại nhà. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khi phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí mạng sống.
Suýt liệt vì tập gym
Vừa qua, một nam thanh niên 18 tuổi (ngụ tỉnh Phú Thọ) nhập viện cấp cứu trong tình trạng liệt hai chân, đại tiểu tiện không tự chủ, tê bì từ ngực trở xuống sau khi tập gym. Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật nhận định bệnh nhân có thể gặp chấn thương do tập gym quá sức, sai tư thế khiến tủy sống bị chèn ép dẫn đến liệt hai chi dưới. May mắn là bệnh nhân đã đến bệnh viện sớm và được phẫu thuật kịp thời nên đang hồi phục.
Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) phẫu thuật cho một trường hợp chấn thương sau khi tập luyện thể thao. (Ảnh do bác sĩ cung cấp)
Anh Trần Trọng N. (35 tuổi, ngụ TP HCM) vừa trải qua ca phẫu thuật nắn chỉnh gân mắt cá tại Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM). Anh N. cho biết có thói quen đạp xe đạp để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên gần đây, anh bị đau và trật gân phía bên ngoài cổ chân. "Trước đó, tôi cũng bị đau kiểu như trật gân nhưng lần này cơn đau nhiều hơn, dùng các loại thuốc dán giảm đau không bớt nên nhập viện kiểm tra. Bác sĩ chỉ định mổ vì gân trật khỏi mắt cá" - anh N. cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc, Khoa Y học thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175, cho biết trung bình mỗi ngày, tại đây tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đến khám vì liên quan chấn thương sau tập luyện, trong đó có 10% trường hợp bị nặng phải phẫu thuật. "Khoảng từ năm 2018 đến nay, tình trạng gặp chấn thương sau tập luyện ngày càng tăng. Nếu trước đây mỗi ngày tiếp nhận khoảng vài chục ca, trong đó chỉ khoảng 2-3 ca phải phẫu thuật thì nay số bệnh nhân đến khám tăng hơn nhiều" - bác sĩ Lộc nói.
Theo bác sĩ Lộc, các môn thể thao tự tập thường được hiểu là những hoạt động không có va chạm nên khi chấn thương thường bị người tập xem là nhẹ. Những bộ môn được lựa chọn nhiều nhất là đạp xe đạp, yoga, chạy bộ. Vị trí tổn thương thường gặp là khớp cổ chân, cụ thể là đứt hệ thống dây chằng giữ vững cổ chân. Do các chấn thương tại cổ chân thường sẽ tự lành dẫn đến tâm lý chủ quan, nhiều trường hợp bị đau dai dẳng mới đến bệnh viện khám.
"Các trường hợp đến bệnh viện thăm khám có chỉ định phẫu thuật đa số đều đến muộn và kèm theo nhiều biến chứng khác. Điều này gây ra nhiều thách thức hơn cho các y - bác sĩ khi quyết định sử dụng phương án nội soi để điều trị" - bác sĩ Lộc lo ngại.
Mất mạng sau buổi tập yoga một mình
Vừa qua, một phụ nữ 38 tuổi ở Lâm Đồng được phát hiện tử vong trong tư thế bị treo trên sợi dây tại phòng tập yoga. Tại hiện trường, nạn nhân bị dải dây tập bằng vải có đầu mối treo trên xà nhà thắt siết ngang bụng, hai chân sắp chạm tới mặt sàn.
Yoga hiện là bộ môn được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là phụ nữ. Do đó, thông tin tử vong do tập yoga khiến nhiều chị em lo lắng. Bởi cũng có nhiều quan điểm cho rằng yoga là bộ môn nhẹ nhàng khó có thể xảy ra tai nạn khi tập luyện.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Yoga Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga tỉnh Lâm Đồng - cho biết yoga là hệ thống cổ xưa nhất của phương pháp luyện tập thể chất và tinh thần được biết đến trên thế giới. Ngày nay, yoga không ngừng thay đổi để đáp ứng nhu cầu người tập với nhiều thể loại và phương pháp luyện tập khác nhau. Trong đó có những loại yoga nhẹ nhàng, thư thái kết hợp tập trung hít thở; có loại hình tập luyện với cường độ mạnh, liên tục; có loại hình tập tăng cường sức mạnh cơ bắp…
"Việc tập yoga mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, người tập cần hiểu thể trạng sức khỏe của mình và tìm hiểu hoặc nhờ người có chuyên môn tư vấn xem loại hình yoga nào là thích hợp. Nếu tập yoga không đúng phương pháp, bắt chước, tập một mình không có huấn luyện viên hướng dẫn, tập quá sức, không tập trung, không khởi động kỹ trước khi tập hoặc có những bệnh "chống chỉ định" với yoga mà bệnh nhân không được tư vấn sẽ gây ra những sự cố, tai nạn hoặc những chấn thương không đáng có" - bà Hoàng nhấn mạnh.
Chỉ tập một mình khi đủ hiểu biết
Để tránh tai nạn khi tập luyện thể thao, bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc khuyên trước khi tập luyện cần lưu ý điều kiện thể chất, cụ thể là bổ sung nước, điện giải. Bởi nếu suy giảm điện giải, người tập sẽ cảm thấy uể oải về tinh thần lẫn thể chất. Trong một số trường hợp, giảm điện giải có thể xảy ra ngay trong khi tập luyện gây hiện tượng chuột rút.
Bên cạnh đó, hạn chế tập luyện một mình. Bởi tập với người khác sẽ làm tăng hiệu quả tập luyện và tinh thần được cải thiện nhờ tăng tính tương tác xã hội. Ngoài ra, bạn tập đóng vai trò người giúp đỡ đầu tiên khi xảy ra sự cố.
Bác sĩ Lộc cũng lưu ý cần giữ nhịp tim an toàn. Chỉ số này được đo bằng cách lấy 220 trừ đi số tuổi. Trong trường hợp tập thể thao cường độ cao tại nhà như đạp xe tại chỗ, chạy bộ trên máy, người tập luyện chỉ nên tập đến khi nhịp tim hiện tại ở mức 70%-80% so với nhịp tim tối đa. "Ví dụ người đàn ông khỏe mạnh tuổi 30 sẽ có nhịp tim tối đa là 190 lần/phút. Khi chạy bộ, ngưỡng tim an toàn của người này sẽ vào khoảng 150 lần/phút trở lại" - bác sĩ Lộc giải thích.
Đối với yoga, bà Nguyễn Thị Phương Hoàng khuyến cáo không nên tự tập một mình theo video, sách vở nếu chưa từng qua lớp luyện tập có huấn luyện viên (kể cả online và trực tiếp). "Hãy đến lớp yoga và trao đổi với huấn luyện viên về tình trạng của mình. Họ sẽ hướng dẫn bạn tập luyện một cách an toàn. Sau khi quen dần trên lớp, bạn có thể về nhà tự tập như vậy, vì lúc này bạn đã cảm nhận được cơ thể và hiểu được các bài tập đã được trải nghiệm ở lớp" - bà Hoàng khuyên.
Cảnh giác với những cơn đau
Thông tin thêm về những chấn thương có thể gặp phải khi tập yoga, bà Nguyễn Thị Phương Hoàng cho hay có thể chia làm 2 loại. Thứ nhất, đau từ từ, ê ẩm toàn bộ cơ thể hoặc từng bộ phận. Hầu hết những cơn đau này người tập chịu đựng được, chủ yếu xảy ra khi mới bắt đầu tập luyện do các nhóm cơ, xương, khớp... được kéo giãn.
Thứ hai, những cơn đau gây khó chịu, 7 ngày trở lên chưa hết, thậm chí ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt hằng ngày thì có khả năng người tập đã bị chấn thương do tập luyện. Khi đó, cần đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán tình trạng chấn thương và có hướng điều trị kịp thời.
Bình luận (0)