Sơn La - một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn thuộc vùng Tây Bắc của đất nước. Đây cũng là nơi tôi sinh sống và công tác.
Muốn xóa nhòa khoảng cách
Sơn La có rất nhiều người dân tộc thiểu số định cư. Rất nhiều lần, tôi được nghe học sinh của mình kể về cách chữa bệnh của ông bà, cha mẹ các em với người thân như tục "kiêng có người tới nhà chơi khi trong nhà có người bị bệnh", hay khi nhà có người ốm thì tổ chức "cúng ma", mà không tới trạm xá hay bệnh viện (BV) để chữa trị.
Bác sĩ Trần Đắc Thắng (đứng, bìa trái) chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn) khi ông đang giữ chức Bí thư Huyện ủy Mai Sơn .Ảnh: SOYTE.SONLA.GOV.VN
Chính những tập tục còn ăn mòn trong lối suy nghĩ của bà con ấy đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng người dân quê tôi. Vì lẽ đó, trong những bài giảng của mình trên lớp, tôi thường lồng ghép tuyên truyền về công việc, trách nhiệm của những người thầy thuốc với chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, với lòng yêu nghề và tận tình cứu giúp người bệnh.
Tôi tự nghĩ ra và làm điều này với mong muốn phần nào xóa nhòa khoảng cách, đến gần hơn với những người thầy thuốc. Đồng thời, thông qua đó, tôi muốn mở rộng sự hiểu biết của các em, để hy vọng chính các em sẽ là những tuyên truyền viên, khi về gia đình giải thích cho người thân khi trong nhà có người bệnh thì cần phải được đưa tới trạm xá hay BV chữa trị.
Những lần nói với học sinh như thế, tôi hay nhắc tới tấm gương người bác sĩ đã hết lòng cứu chữa cho căn bệnh xuất huyết dạ dày cấp của bố tôi 12 năm trước, mặc dù bố tôi khi đó đã không qua khỏi. Người thầy thuốc ấy bấy giờ là Giám đốc BV Đa khoa huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La - bác sĩ CKII Trần Đắc Thắng.
Chất chứa biết bao tình cảm
Ngày 29-5-2009 là ngày mà cả gia đình tôi không thể nào quên. Hôm đó mưa tầm tã. Mưa rừng thật khủng khiếp. Bố tôi khi đó 49 tuổi, đột ngột bị đau bụng dữ dội, đi ngoài và nôn ra máu.
Bố được đưa vào phòng cấp cứu BV Đa khoa huyện Mai Sơn ngay trong đêm. Nhìn các bác sĩ hối nhau lo cấp cứu, mẹ tôi cảm nhận được sự khó khăn nên dần mất bình tĩnh và khóc. Chị em tôi ai cũng lo lắng. Mặc dù nhận được sự quan tâm khẩn trương cứu chữa của các bác sĩ, trong đó có cả vị giám đốc của BV, nhưng tình trạng của bố tôi không được cải thiện.
Ông mất máu nhiều rồi lịm dần. Đang trong lúc rối bời, nhìn thấy vị giám đốc của BV, mẹ tôi níu lấy rồi rối rít hỏi đủ thứ về bệnh tình của bố. Đáp lại lời mẹ là ánh mắt cảm thông, chất chứa biết bao tình cảm. Vị giám đốc BV mời mẹ và chúng tôi sang một phòng kế bên nói chuyện. Sau cái nắm tay như muốn truyền sang cho mẹ sự can đảm, ông nói: "Chị phải thực sự bình tĩnh tôi mới nói. Bệnh anh nhà có chuyển biến xấu. Chúng tôi đã làm hết cách".
Nghe những lời đó, mẹ tôi không tin: "Làm sao mà xấu được. Bình thường anh ấy khỏe lắm mà. Liệu chú có nhầm không? Chú cứu anh ấy giúp tôi với. Chú là giám đốc BV cơ mà. Chắc chắn chú giỏi lắm. Cứu anh ấy đi. Anh ấy qua khỏi, mẹ con tôi đội ơn chú nhiều lắm".
Khóe mắt vị bác sĩ ấy ngân ngấn nước. Tôi không rõ ông khóc vì những lời mẹ tôi nói hay vì đã không thể hoàn thành tâm nguyện của mẹ tôi? Nhưng phải là một người giàu tình cảm, phải là một người yêu cái nghề đòi hỏi "tinh thần thép" thì ông mới khóc vì lời lẽ của người nhà bệnh nhân.
Sau này nghĩ lại giây phút ấy, mẹ vẫn nhắc chúng tôi: "Không biết trong cuộc đời của vị lãnh đạo BV này đã bao nhiêu lần ông ấy phải khóc vì những người không quen biết, không thân thích như gia đình ta?". Tôi nghĩ, câu trả lời đã có. Vì tôi tin hẳn là nhiều lần ông đã khóc.
Đi sâu đi sát
Từ năm 2006, bác sĩ Trần Đắc Thắng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc BV Đa khoa huyện Mai Sơn.
Với vai trò của người chèo lái con thuyền, ông đã tiếp nối các thế hệ lãnh đạo BV trước đó để tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của BV, không ngừng chú trọng phát triển trình độ đội ngũ y - bác sĩ. Đặc biệt, do đặc thù BV này phục vụ chủ yếu là bà con người dân tộc thiểu số nên phương châm "nhẫn nại nghe người bệnh bày tỏ" phải luôn được quán triệt.
Bác sĩ Trần Đắc Thắng (thứ hai từ phải qua, hàng đầu) trong lễ xuất quân của đoàn cán bộ y tế Sơn La chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19
Khó khăn với các bác sĩ là có nhiều bệnh nhân người dân tộc thiểu số. Có bệnh nhân phát âm tiếng Việt không chuẩn, thậm chí không biết tiếng phổ thông, nên các bác sĩ phải tự làm phiên dịch viên cho chính mình. Muốn vậy thì phải học tiếng. Điều này đã được các bác sĩ của BV Đa khoa Mai Sơn thấm nhuần và phát huy. Có được điều này, các bác sĩ cho biết phải kể đến sự định hướng và động viên không nhỏ của ban lãnh đạo BV các thế hệ và người kế tiếp chính là bác sĩ Trần Đắc Thắng.
Năm 2014, bác sĩ Trần Đắc Thắng được cấp trên giao đảm nhận trọng trách mới là làm phó chủ tịch rồi chủ tịch và Bí thư Huyện ủy huyện Mai Sơn.
Ở cương vị mới, người thầy thuốc này đã nỗ lực học hỏi để lĩnh hội kiến thức về kinh tế - xã hội và đề ra những quyết sách để phục vụ công cuộc phát triển toàn diện của huyện nhà. Ông và tập thể cán bộ lãnh đạo huyện đã đoàn kết, nỗ lực đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn để huyện Mai Sơn có sự "thay da đổi thịt". Điều mà ông vẫn tiếp tục giữ là luôn sâu sát với cán bộ, công chức và nhân dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của mọi người.
Sẵn sàng lắng nghe
Giáo viên miền núi như chúng tôi dạo ấy cứ sau mỗi dịp nghỉ hè là toàn bộ các cấp học từ mầm non tới THCS đều phải tham gia một lớp học chính trị. Đó cũng là vinh dự khi chúng tôi được tham gia học và báo cáo viên chính là bác sĩ Trần Đắc Thắng năm nào, giờ thay mặt lãnh đạo huyện đến giảng các bài học chính trị.
Gặp lại ông ở cương vị lãnh đạo huyện, trong lòng tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh của người thầy thuốc với những ấn tượng đẹp, luôn thấu tình đạt lý. Trong lĩnh vực giáo dục, ông đề cao sự công bằng, sẵn sàng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các thầy cô giáo. Đã là giáo viên miền núi thì không ai tránh khỏi việc phải luân chuyển điều động đến những trường vùng 3 khó khăn nhưng khi được ông động viên, khích lệ, phân tích thấu đáo thì mọi người đều vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ.
Để nắm bắt và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên, ông sẵn sàng tổ chức các buổi gặp mặt với những ai muốn đề đạt nguyện vọng riêng của mình tới cấp có thẩm quyền. Bởi với ông, muốn giáo viên yên tâm công tác, muốn họ "cho đi sự hiểu biết" hay "định hướng đúng cho lớp lớp thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước" thì trước hết phải cho họ niềm tin, gửi đến họ những quy định đúng đắn và tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của họ vào Đảng và nhà nước cũng như chính quyền địa phương.
Bác sĩ Trần Đắc Thắng (bìa trái) nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La
Từ đầu năm 2021, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La. Lúc này cả nước đang hòa chung không khí khẩn trương, quyết liệt phòng chống đại dịch Covid-19. Đặc biệt là thời điểm từ tháng 8, khi Sơn La phát hiện những ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên.
Vị bác sĩ năm nào, nay trên cương vị đứng đầu ngành y tế tỉnh nhà, đã lăn xả vào "cuộc chiến", không kể ngày đêm, mưa nắng để cùng cán bộ, công nhân viên và đội ngũ y - bác sĩ bám sát từng diễn biến của dịch bệnh để có những tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhiệm vụ được giao. Sơn La hiện là một trong những tỉnh kiểm soát tốt diễn biến dịch bệnh.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)