Ông M. (57 tuổi, quận Bình Tân, TP HCM) cùng con trai là anh H. khi biết mình mắc Covid-19 đã được đưa đi cách ly theo quy định. Ban đầu, mọi người xung quanh ai cũng lo lắng cho sức khỏe ông M. vì tuổi ông đã cao nhưng đến khi được xuất viện, chỉ mình ông M. trở về, còn anh H. không may mắn như vậy, anh đã ra đi.
Yêu thêm cuộc sống này
Ông M. nghẹn ngào: "Tại sao người ra đi lại là con? Một người làm cha như tôi, chứng kiến cảnh con trai mình vật vã với căn bệnh như thế lại không làm được gì. Giây phút nghe tin con ra đi tôi như chết lặng, thương con, và cũng trách mình vì không thể bảo vệ con. Dịch bệnh sao lại cướp đi đứa con hiền lành, khỏe mạnh ấy của tôi, tại sao không phải là tôi?".
Nhân viên y tế tại một bệnh viện Covid-19 chăm sóc cho bệnh nhân nặng (ảnh minh họa). Ảnh: NGUYỄN THUẬN
Tuy vừa thoát ra khỏi cửa tử, thế nhưng ông M. chẳng thể nào vui mừng, ngược lại, ông luôn sống trong sự dằn vặt, buồn bã vì sự ra đi của người thân.
"Giai đoạn đó rất khó khăn đối với tôi nhưng vợ tôi đã luôn kề bên an ủi, chăm sóc tôi. Bà đã nén lại đau thương mà dùng chính tình yêu của mình để khâu lại từng vết nứt trong trái tim tôi. Bà bảo rằng một người vừa cận kề cái chết như tôi phải biết yêu thêm cuộc sống này, chứ sao mà cứ ủ rũ như thế. Con trai ra đi, tôi buồn bao nhiêu, bà ấy buồn còn hơn như thế nhưng vợ tôi đã mạnh mẽ đối diện, sao tôi lại trốn tránh, tôi phải là chỗ dựa cho bà ấy, vì bây giờ, chỉ còn có chúng tôi."
Để lấy lại tinh thần, bước chân ra khỏi những cảm xúc tiêu cực ấy, mỗi ngày ông M. đều cố gắng tạo ra thật nhiều năng lượng tích cực bằng việc vận động, nấu ăn hay tâm sự cùng vợ. Ông đã tập viết nhật ký như một cách thức để trò chuyện cùng con trai, từng trang giấy như những lá thư, những lời tâm sự ông muốn gửi gắm.
Chữa lành cho chính mình
Đại dịch Covid-19 đã gây khủng hoảng cho rất nhiều người nhưng không phải ai cũng rơi vào trạng thái sang chấn do Covid-19 (còn gọi là PTSD - rối loạn căng thẳng sau sang chấn).
Có nhiều cá nhân cảm thấy e ngại, xấu hổ cho rằng bản thân mình yếu đuối vì xuất hiện các triệu chứng của PTSD. Thế nhưng, các biểu hiện này là những phản ứng tự nhiên của tâm lý con người trước mọi sự mất mát trong cuộc sống.
Chúng ta cần phải nhận ra được các biểu hiện ấy của bản thân hoặc người thân của mình để tìm cách vượt qua khỏi sợ hãi, tìm cách ứng phó phù hợp và chữa lành cho chính mình.
Hãy tự giúp chính mình bằng cách dành thời gian cho bản thân để lắng nghe những gì nội tâm ta đang muốn che giấu. Tập chấp nhận cảm xúc, không chối bỏ nó vì chúng ta càng đè nén, cảm xúc tiêu cực của bản thân sẽ dần được tích tụ và quá trình tự phục hồi sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tăng cường vận động thể chất cũng là cách để cơ thể chúng ta điều tiết lại hoóc-môn, khiến cho tâm trạng phấn chấn hơn. Khi trải qua những sang chấn tâm lý, chúng ta thường cố thu mình vào trong vỏ bọc của bản thân, không chịu mở lòng với những người xung quanh, vì vậy hãy thử gặp gỡ, trò chuyện, kết nối với xã hội nhiều hơn để lấy lại nguồn năng lượng, mau chóng phục hồi. Hãy tìm đến những chuyên gia tâm lý, tham vấn viên nếu các triệu chứng tâm lý không giảm bớt và tiếp tục kéo dài.
Chúng ta không chỉ có thể tự giúp mình vượt qua những khủng hoảng ấy, thậm chí mỗi người đều có thể giúp đỡ thêm những người xung quanh gặp trường hợp tương tự. Vì chúng ta đã từng trải qua cảm giác đó, chúng ta có thể hiểu được nỗi đau đớn khi mất đi người thân là như thế nào.
Bình luận (0)