Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết chỉ trong tuần đầu tháng 10, khoa đã tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu, 3 ca xin về vì tiên lượng nặng. Chỉ tính riêng ngày 7-10, có 4 ca nhập viện vì ngộ độc methanol, chủ yếu ở huyện Bình Chánh, TP HCM.
Các bệnh nhân ngộ độc rượu phải hồi sức tích cực. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo bác sĩ Hùng, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, khó thở, tím tái, suy hô hấp, suy gan, suy thận, tăng đường huyết, phải hồi sức tích cực.
Chẳng hạn, ông N.V.T (58 tuổi, ngụ Vĩnh Long), nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê. Người nhà cho biết tối trước khi nhập viện, ông T. mua rượu đế ở tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà để uống. Đến 3 giờ hôm sau, ông bắt đầu nói sảng, than chóng mặt, nôn ói, sau đó lơ mơ.
Bác sĩ Hùng cho biết kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ methanol trong máu ông T. tăng đến 209,42mg/dL, gấp hàng chục lần ngưỡng cho phép.
Trong khi đó, theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Ngọc Kim Thanh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, 3 người đang điều trị tại đây đều hôn mê sâu.
"Ngộ độc rượu methanol gây tổn thương não, suy thận cấp, suy đa cơ quan. Triệu chứng ngộ độc methanol dễ bị lầm tưởng với ngộ độc rượu ethanol thông thường. Người dân không nên sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, cẩn trọng khi bảo quản, sử dụng các loại hóa chất, dung dịch có thành phần methanol. Khi có những dấu hiệu bất thường sau khi uống loại rượu này, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí " - bác sĩ Thanh khuyến cáo.
Bình luận (0)