Mới 19 tuổi nhưng T.T.L quê ở Nghệ An đã phải chạy thận 5 năm. Người thân của L. cho biết thời điểm đang học lớp 9 em bỗng dưng mệt mỏi và sút cân. Một lần em bị ngất xỉu trên lớp, đến khi nhập viện, gia đình bàng hoàng khi nghe bác sĩ nói L. sẽ phải chạy thận cả đời.
"Sát thủ" bệnh chuyển hóa
Sau thời điểm ấy, cuộc sống của L. ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cách đây không lâu, L. lên cơn sốt triền miên không dứt, gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chạy chữa. Bác sĩ cho biết L. bị thận đa nang, khối u thận quá to nên phương án tốt nhất cho cô gái 19 tuổi là thay thận.
Theo các bác sĩ, tình trạng người trẻ tuổi đã bị hỏng thận hiện không hiếm gặp. Có trường hợp nữ bệnh nhân 31 tuổi nhưng đã chạy thận tới 4 năm. Trước đó, bệnh nhân này bị đái tháo đường biến chứng suy thận nên phải chạy thận nhân tạo. Hay có bệnh nhân nam 28 tuổi bị huyết áp cao nhưng do chủ quan, không kiểm soát huyết áp và uống thuốc đều đặn dẫn đến tình trạng viêm cầu thận, gây suy thận mạn khiến bệnh nhân phải chạy thận để duy trì sự sống.
Bệnh nhân suy thận không chỉ trẻ hóa mà tình trạng suy thận mạn do biến chứng của các bệnh chuyển hóa (đái tháo đường, gout) cũng tăng cao trong các năm gần đây. Béo phì có thể gây tổn hại đến chức năng thận trước khi phát bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Hai bệnh này tác động tiêu cực lên thận và là nguyên nhân chính gây ra bệnh về thận, nên việc phòng bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp rất quan trọng. "Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ rằng người lớn tuổi mới bị đái tháo đường và cao huyết áp nhưng thực tế 2 căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều thanh niên mới 24-25 tuổi đã bị đái tháo đường và cao huyết áp rồi chuyển qua biến chứng suy thận mạn khi chưa tới tuổi 30" - một bác sĩ cảnh báo.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại khoa điều trị của Bệnh viện Bạch Mai có những bệnh nhân còn rất trẻ chưa lập gia đình, sinh viên cũng phải gắn chặt với máy chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Đa số bệnh nhân đều đi khám ở các giai đoạn muộn như khi thấy mệt mỏi, sốt, phù thũng bệnh nhân mới đến khám, lúc này thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Theo TS-BS Nguyễn Thế Cường, Trưởng Khoa Thận lọc máu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), ước tính tại Việt Nam có 5 triệu người bị bệnh thận và hằng năm có hơn 8.000 ca bệnh mới. Số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu khoảng 800.000 trường hợp. Riêng Khoa Thận lọc máu của bệnh viện đang quản lý hơn 700 người sau ghép thận. Đáng lo ngại là tình trạng bệnh nhân bị hỏng thận đang ngày càng trẻ, nhất là nam giới.
Thăm khám, điều trị cho bệnh nhân bị suy thận tại Bệnh viện Việt Đức
Cảnh báo "bác sĩ Google"
"Một trong những nguyên nhân gây hỏng thận mà chúng tôi gặp khá nhiều đó là tình trạng người dân tự ý uống thuốc nam, sau đó gây nhiễm độc cho thận. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, không đi tiểu được (vô niệu), người phù, chân tay to, đau đầu chóng mặt... Dù được cấp cứu, lọc máu tích cực nhưng bệnh không cải thiện, dẫn đến suy thận mạn, cuộc sống gắn với máy chạy thận 3 lần/tuần. Không ít người bị hỏng thận do việc sử dụng thuốc tùy tiện và thói quen ăn mặn" - một bác sĩ chia sẻ.
TS-BS Nguyễn Thế Cường cảnh báo: Có một thực tế đáng báo động nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, do khi phát hiện bệnh, thay vì đến cơ sở y tế, đã hỏi "bác sĩ Google" và uống thuốc theo "đơn mạng" khiến chẳng những bệnh không khỏi, mà còn bị nhiễm độc thuốc dẫn đến suy thận bởi lẽ hầu hết thuốc được thải trừ qua thận.
Để phòng tránh suy thận, cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị thừa cholesterol. Ngoài ra, hạn chế ăn mặn, hạn chế dùng muối - một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp và các bệnh chuyển hóa khác. Hiện không có biện pháp nào điều trị khỏi suy thận mạn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế biến chứng.
"Do bệnh suy thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng đến giai đoạn cuối, nên quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và gia đình có người bệnh thận. Những người này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển. Muốn phát hiện bệnh thận sớm, cần phải đi xét nghiệm máu định kỳ. Xét nghiệm này không tốn kém và có thể thực hiện được ở các tuyến y tế cơ sở" - BS Nguyễn Hữu Dũng khuyến cáo.
5 giai đoạn của bệnh suy thận
BS Nguyễn Hữu Dũng cho biết suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4 nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5-10 năm, trì hoãn giai đoạn chạy thận. Nếu bệnh tiến triển đến độ 5 thì phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo.
Bình luận (0)