Theo ThS-BS Nguyễn Hải Công, Trưởng Khoa Lao và Bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau nhiều ở vùng cổ, khó thở và hoàn toàn không nói được. Trước tình huống nguy cấp, các bác sĩ nội soi cấp cứu và lấy ra dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ. May mắn, các cạnh sắc nhọn không đâm sâu vào khí quản người bệnh.
Còn tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) gần đây các bác sĩ cũng can thiệp cứu hàng chục ca hóc dị vật đường tiêu hóa. Nhiều trường hợp người bệnh nuốt phải dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ nhôm có cạnh sắc nhọn, do người bệnh uống thuốc ban đêm không bật đèn nên không để ý thuốc còn nguyên vỏ. Một nhóm đối tượng nguy cơ cao nuốt dị vật nữa là người có thói quen ngậm tăm sau khi ăn. Thói quen này đặc biệt nguy hiểm khi nạn nhân có uống bia, rượu rồi ngủ quên, nuốt phải tăm lúc nào không biết.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phú Hữu, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Bình Dân, khuyến cáo tai nạn sinh hoạt nói trên có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Khi nghi ngờ đã nuốt dị vật hoặc cảm thấy các triệu chứng khó chịu, người bệnh cần đến bệnh viện ngay. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà bằng cách chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật trôi xuống, vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.
Bình luận (0)