Ông Lê Bửu Châu, Giám đốc Chi nhánh Công ty Nippon Sanso VietNam JSC (Khu Công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết công ty có khả năng lưu trữ khoảng 4.000 tấn ôxy lỏng, bảo đảm cung cấp đủ ôxy cho công tác điều trị.
Dự báo nhu cầu tăng
Hiện các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM sử dụng khoảng 170 tấn ôxy lỏng/ngày, dự báo trong thời gian tới cần khoảng 350 tấn ôxy lỏng/ngày. Trong khi đó, hiện chỉ có 5 đơn vị cung cấp ôxy lỏng cho TP HCM với lượng khoảng 150 tấn/ngày.
Sở Y tế TP HCM dự báo với nhu cầu ôxy lỏng ngày càng tăng trong khi công suất sản xuất của các nhà cung cấp hiện nay có hạn thì ôxy lỏng cung cấp cho y tế có nguy cơ bị thiếu hụt. Việc thiếu hụt ôxy lỏng cung cấp cho các bệnh viện sẽ ảnh hưởng tới công tác cấp cứu và điều trị người bệnh, đặc biệt là tại các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Phú Nhuận (TP HCM) đang được thở ôxy mask
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Hữu Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng Tân Bình (TP HCM), cho hay từ khi thành lập, bệnh viện được trang bị 2 bồn ôxy hóa lỏng với dung tích 26 khối. Trong đợt dịch cao điểm lần thứ 4 vừa qua, 2 bồn ôxy này luôn được bơm đầy, bảo đảm cung ứng cho người bệnh cần thở ôxy. Tuy nhiên, hiện tại lượng ôxy được cung ứng chỉ đủ hoạt động cầm chừng.
Theo bác sĩ Đức, hiện bệnh viện điều trị cho khoảng 500 F0. Đa số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, trung bình. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn cần phải sử dụng ôxy để điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Phú Nhuận 3B (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết bệnh viện tái khởi động khoảng 20 ngày. Đây là nơi tiếp nhận thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa và nặng trên địa bàn quận Phú Nhuận. Hiện bệnh viện điều trị 90 bệnh nhân Covid-19, trong đó có khoảng 40-50 bệnh nhân cần sử dụng ôxy (bệnh viện có trang bị 1 bồn ôxy lỏng với dung tích 13 khối).
Ưu tiên cung ứng cho bệnh viện
Theo UBND TP HCM, hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước phục hồi, đa số các đơn vị cung ứng ôxy y tế trên địa bàn và các tỉnh lân cận đã chuyển sang sản xuất cung cấp ôxy công nghiệp (nhất là cho việc sản xuất thép). Từ đầu tháng 12, tại TP đã có tình trạng một số bệnh viện gặp khó khăn khi yêu cầu cung cấp ôxy lỏng. Các đơn vị cung cấp cũng trong tình trạng không đủ đáp ứng, không có ôxy lỏng dự trữ để cung cấp khi xảy ra tình huống cấp bách.
Tính từ ngày 11 đến 17-12, nhu cầu ôxy lỏng của các đơn vị y tế trên địa bàn TP là 1.070 tấn và 10.500 chai ôxy loại 40 lít (tương đương 540 kg). Nếu tính riêng ngày 17-12 là 166 tấn, số chai ôxy loại 40 lít là 1.500 (tương đương 77 kg). Ước tính khả năng cung ứng ôxy lỏng của các đơn vị cung cấp tại TP có thể đạt mức tối đa 232 tấn/ngày.
Theo ông Lê Bửu Châu, tại khu vực phía Nam, Công ty Nippon Sanso VietNam JSC có 3 nhà máy sản xuất ôxy lỏng với năng lực sản xuất trung bình khoảng 274,3 tấn/ngày cung cấp cho bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam.
Công ty Nippon Sanso VietNam JSC hiện là một trong những công ty cung cấp ôxy y tế cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP HCM và một số tỉnh lân cận. Đặc biệt, từ đợt dịch thứ 4, công ty đã lắp đặt các bồn ôxy lỏng cho 9/18 bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP HCM.
Ông Lê Bửu Châu cho biết sau khi bình thường mới hoạt động sản xuất được phục hồi, nên các công ty sản xuất khí ôxy cũng bắt đầu tái hoạt động sản xuất khí công nghiệp. Do đó, ngoài sản xuất ôxy y tế, các đơn vị này còn phải sản xuất khí công nghiệp khiến sản lượng ôxy cho y tế có giảm.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ưu tiên bảo đảm sản xuất đủ cung ứng cho các bệnh viện mà công ty đã cung cấp từ trước tới nay. Công ty có khả năng lưu trữ khoảng 4.000 tấn ôxy lỏng, nhà máy ở Biên Hòa có trạm nạp chai khí ôxy với công suất 10 tấn/ngày. Với sản lượng này chúng tôi bảo đảm cung cấp đủ ôxy cho công tác điều trị của các bệnh viện, nhất là cho bệnh nhân Covid-19" - ông Châu thông tin.
Bình luận (0)