Bác sĩ chuyên khoa I Cao Thị Lan Hương, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM), trả lời: Bệnh dại có thể lây truyền qua nhiều con đường. Có thể lây qua da và niêm mạc, virus dại có trong nước bọt của súc vật bị dại không thể xâm nhập cơ thể người khi da lành lặn. Nhưng có thể lây khi da và niêm mạc bị tổn thương (dù vết tổn thương rất nhỏ) do bị súc vật dại cắn, cào, liếm hoặc khi làm thịt súc vật bị dại.
Bị nước bọt của chó bắn vào mắt nên đến ngay trạm y tế hay trung tâm tiêm chủng để được hướng dẫn cụ thể về việc tiêm ngừa dại (Ảnh minh họa từ Internet)
Rất hiếm gặp trường hợp mắc bệnh dại ở người lành sẵn có vết thương qua đồ vật trung gian bị dính nước bọt chó dại, người bị dại; hay qua đường hô hấp do hít phải không khí bị ô nhiễm virus dại. Cũng có trường hợp bệnh nhân bị dại do được ghép giác mạc của người bị bệnh dại.
Do đó, vô tình bị nước bọt của chó bắn vào mắt, mặc dù nguy cơ bị dại là rất thấp nhưng tốt nhất bạn vẫn nên đến trạm y tế hay trung tâm tiêm chủng để được hướng dẫn cụ thể về việc có nên hay không nên tiêm ngừa dại.
Lịch tiêm ngừa dại đầy đủ là 5 mũi theo phác đồ "0 - 3 - 7 - 14 - 28 ngày" nghĩa là 0 mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên 3 ngày, mũi thứ 3 cách mũi đầu tiên 7 ngày, mũi thứ 4 cách mũi đầu tiên 14 ngày và mũi cuối cách mũi đầu tiên 28 ngày.
Bình luận (0)