Bệnh nhân tên Trần Văn C. (59 tuổi; ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Theo thông tin người nhà, trưa 23-6, ông C. ăn cơm với thức ăn là đầu cá tra, sau đó cảm thấy đau nhiều vùng cổ, ói, không nuốt được, uống khó nên đến bệnh viện địa phương khám vào sáng hôm sau và được giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.
Xương đầu cá tra trước và sau khi lấy ra khỏi thực quản bệnh nhân C.
Bệnh nhân bị tăng huyết áp, nhồi máu não 2 lần (cách đây 8 năm), nói khó và không đi lại được.
Sau hỏi bệnh và thăm khám, bệnh nhân được chỉ định làm nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng. BS Phan Văn Tiển - Khoa Nội soi đã nội soi và phát hiện 1/3 giữa thực quản thấy thấy một xương đầu cá tra (kích thước khoảng 2.5x3cm), có nhiều cạnh sắc nên lấy nước bơm thấy xương xuống thân vị, lấy dị vật nhẹ nhàng ra ngoài một cách an toàn. Kiểm tra lại thấy có vết sướt 2/3 thực quản trên. Thời gian thực hiện là 5 phút.
Bệnh nhân C. sau khi được lấy xương đầu cá tra ra khỏi thực quản
Sáng 25-6, bệnh nhân tỉnh, không sốt, giảm đau vùng cổ, nuốt được, uống sữa được, không ói.
Theo BS.CKII Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là hóc thức ăn như hóc xương cá hoặc mắc phải các loại dị vật khác như tăm, tre, đinh... vào đường tiêu hóa trên, thường là thực quản. Mắc dị vật thực quản rất nguy hiểm và đòi hỏi phải được xử lý ngay nếu không sẽ để lại một số biến chứng nặng nề như loét, chảy máu, tạo ổ áp xe, nặng hơn nửa là thủng trung thất hoặc dị vật đâm vào đoạn thực quản có cung động mạch chủ tựa vào gây loét và thủng động mạch…
Một số nguyên nhân dẫn đến dị vật đường tiêu hóa hay gặp: ăn quá nhanh và uống quá nhanh, nuốt vội vàng nên những khối thức ăn có dị vật bên trong không được nhận biết và bệnh nhân nuốt vào đường tiêu hóa; vừa ăn vừa trò chuyện; nhai không kỹ và không cẩn thận…
Bình luận (0)