Ngày 6-1, ông Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Ngãi, cho biết vừa tiếp nhận 2 hộp dầu cá Omega-3 (dạng thực phẩm chức năng - TPCN) có nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc do người tiêu dùng cung cấp.
Bất ngờ với thử nghiệm
Sau khi tiếp nhận, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi tiến hành thử nghiệm bằng cách cắt đôi 1 viên thực phẩm chứa nước màu trắng trong lọ Omega-3 đổ lên miếng xốp dày 5 cm. Khoảng 10 phút sau, chất màu trắng ăn mòn và gây thủng miếng xốp, tạo thành lỗ. Các cán bộ của cơ quan này không thể tin nổi một loại TPCN dành cho sức khỏe con người lại có khả năng ăn mòn khủng khiếp như vậy. Trong khi, cũng cách thử nghiệm như trên với TPCN Omega-3 có nguồn gốc từ Mỹ thì không có hiện tượng bào mòn này.
Theo ông Nguyễn Văn Oai, trên bao bì 2 hộp Omega-3 thử nghiệm ghi rõ là TPCN, dạng viên dầu cá, sản xuất tại Trung Quốc do Công ty CP ĐT&PTTM Ngôi Sao Việt (Hà Nội) nhập khẩu và phân phối.
Cũng theo ông Oai, qua kiểm tra, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi nắm được thông tin người dân mua 2 hộp Omega-3 trên tại TP HCM, sau đó gửi về cho người thân ở Quảng Ngãi sử dụng nên hiện tại thị trường Quảng Ngãi không có loại thực phẩm này. “Đây là 2 sản phẩm lạ rất nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng” - ông Oai kết luận.
Chưa thể kết luận
Sở Y tế Quảng Ngãi ngày 6-1 đã có văn bản đề nghị Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi báo cáo, ghi rõ kết quả thử nghiệm ban đầu, có hình ảnh minh họa cụ thể về 2 hộp thực phẩm Omega-3 nói trên. Bên cạnh đó, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phối hợp chặt với Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi để kiểm soát các mặt hàng TPCN, nhất là những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giải thích việc vì sao không tiến hành xác minh nơi nào bán sản phẩm sau khi phát hiện có hiện tượng bất thường, ông Nguyễn Văn Oai cho rằng do sản phẩm này không có trên thị trường Quảng Ngãi nên không thể tổ chức kiểm tra.
“Hơn nữa, người dân phản ánh có hiện tượng ăn mòn miếng xốp nên chúng tôi mới tiến hành thử nghiệm xem có đúng phản ánh hay không. Mục đích của việc thử nghiệm là để cảnh báo người tiêu dùng. Còn cụ thể trong sản phẩm có chất gì, chúng tôi đã gửi mẫu ra Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) chờ xét nghiệm mới biết chính xác” - ông Oai lập luận.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, nói: “Ngay khi nghe thông tin, tôi đã phê bình lãnh đạo Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi về việc khi nhận ra sản phẩm nguy hại nhưng không tổ chức thanh tra ngay xem công ty nào bán sản phẩm này”.
Theo ông Phong, quản lý thị trường không có nhiệm vụ “quản lý” các sản phẩm trên tay người tiêu dùng. Nếu chỉ xét nghiệm 2 hộp dầu cá lấy từ người tiêu dùng mà đã đưa ra kết luận về độ độc hại của sản phẩm là sai quy trình.
Lãnh đạo Cục ATTP cho biết trong ngày 7-1, nếu nhận được mẫu TPCN Omega-3 từ Quảng Ngãi gửi ra, cục sẽ kiểm tra sản phẩm xem có được phép lưu hành không, nếu không được cấp phép sẽ xử lý theo quy định hàng giả. Trường hợp đây là hàng được cấp phép, sẽ tìm hiểu ngọn ngành xem nguyên nhân từ đâu. Qua xác minh ban đầu, cục xác định số đăng ký cấp cho sản phẩm dầu cá Omega-3 của Công ty Ngôi Sao Việt không trùng khớp với 2 hộp TPCN “ăn” xốp thu giữ được ở Quảng Ngãi.
Ông Phong cho rằng đây là thông tin dễ gây hoang mang dư luận. Do vậy, quá trình kiểm tra phải thận trọng, bảo đảm chính xác, khách quan.
“Theo đánh giá chủ quan của tôi, nếu đã là hàng giả thì nó sẽ giống hàng thật 100%, chỉ khác là không có công dụng. Còn trường hợp hàng giả chưa dùng đã phát hiện ăn mòn xốp như hiện tượng trên chưa từng ghi nhận. Rất có thể sản phẩm này chưa kịp bán rộng rãi thì đã bị phát hiện” - ông Phong nói.
TP HCM sẽ kiểm tra
Chiều 6-1, lãnh đạo Chi cục ATVSTP TP HCM cho biết chưa nắm được thông tin về sự vụ ở Quảng Ngãi nên sẽ kiểm tra lại và có ý kiến tham mưu cho Ban Giám đốc Sở Y tế TP với vai trò quản lý chung đối với mặt hàng TPCN. Lãnh đạo chi cục này cho biết thêm việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh TPCN thuộc trách nhiệm của Thanh tra Sở Y tế TP.
TPCN là một trong những mặt hàng “nóng” có nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu. Năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đã thực hiện kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng này và phát hiện, xử lý nhiều vi phạm. Cụ thể, từ ngày 15-7 đến 15-10-2015, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 80 vụ, phát hiện 79 vụ có vi phạm. Các hành vi vi phạm gồm: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, vi phạm về nhãn hàng hóa,… Có 72 vụ đã bị xử phạt với tổng số tiền phạt trên 900 triệu đồng và buộc tiêu hủy gần 1 tấn và hơn 7.000 đơn vị sản phẩm TPCN có giá trị trên 300 triệu đồng. N.Ánh
Bình luận (0)