Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật ghép thận cho chị Tú
Tuy nhiên, 2 giờ sau ca phẫu thuật trên, tình trạng bệnh nhân có biểu hiện bất thường. Do vậy, lúc 13 giờ 30 phút, êkíp phẫu thuật quyết định phẫu thuật lại vì chưa xác định được nguyên nhân do thải ghép tối cấp hay do lưu lượng máu qua thận ghép không đầy đủ.
Ca phẫu thuật thứ hai kết thúc lúc 16 giờ 30 phút, bệnh nhân vẫn không có nước tiểu nhưng sau đó một giờ, nước tiểu bắt đầu ra nhiều. Đến 7 giờ ngày 11-7, các thông số xét nghiệm bình thưòng, bệnh nhân tự thở và bắt đầu ăn nhẹ.
Theo GS-TS Bùi Đức Phú, trường hợp bị cắt nhầm thận như chị Tú là sự cố y khoa hiếm gặp và là ca thứ hai ở nước ta. Ca đầu tiên cách đây 30 năm, bệnh nhân có một thận bị cắt bỏ do chẩn đoán nhầm sau đó chuyển ra nước ngoài ghép thận nhưng không thành công.
Từ khi chị Tú ra Huế chuẩn bị ghép thận, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã giới thiệu hai người tình nguyện hiến thận ra Bệnh viện Trung ương Huế để làm xét nghiệm miễn dịch đánh giá mức độ tương hợp về miễn dịch và sàng lọc các bệnh kèm theo.
Tuy nhiên, phản ứng tiền mẫn cảm của bệnh nhân Tú có kết quả dương tính nhiều lần do bệnh nhân được truyền nhiều máu trong mổ cắt thận tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, vì vậy nguy cơ thải ghép sau mổ rất cao. Sau khoảng 7 tháng điều trị, mức độ dương tính của tiền mẫn cảm giảm dần theo thời gian.
Qua phân tích các chỉ số về miễn dịch, Hội đồng ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế thống nhất xét chọn người cho thận phù hợp và hoàn tất đầy đủ các xét nghiệm theo đúng quy trình ghép thận quốc gia, lên kế hoạch ghép thận cho bệnh nhân vào ngày 10-7.
GS-TS Bùi Đức Phú, khẳng định trước mắt ca mổ có diễn biến thuận lợi nhưng đây chỉ mới là kết quả ban đầu, còn phải tiếp tục tích cực theo dõi điều trị sau mổ.
Bình luận (0)