Theo trang BIID.org, website do nhiều chuyên gia y tế và người mắc căn bệnh này lập ra, BIID (Body Integtity Identity Disorder – tạm dịch là “rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể) thường được biểu hiện bởi tình trạng người bệnh muốn loại bỏ một phần cơ thể, ví dụ như cắt cụt chi, muốn làm mù mắt. Trong hầu hết các trường hợp, phần cơ thể bệnh nhân chối bỏ hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh.
Bất chấp tất cả, cô Jewel đã làm mù mắt mình vào năm 30 tuổi. Cô là một bệnh nhân BIID với khao khát được mù lòa từ thuở ấu thơ.
Các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết cho căn “quái bệnh” này. Phổ biến nhất vẫn là BIID xảy ra khi não bộ không có khả năng cung cấp một sự nhìn nhận chính xác về hình dạng vật lý của cá nhân đó, một phần cơ thể, thường là tay hoặc chân được họ cho rằng dư thừa, không thuộc về con người và cần được loại bỏ. Giả thuyết thứ hai cũng khá phổ biến là việc người bị BIID đã đem một hình ảnh người khuyết tật nào đó mà họ gặp thời thơ ấu trở thành một hình mẫu chuẩn. Người mắc BIID muốn loại bỏ chức năng cơ thể, như cắt cụt tay, chân, làm mù mắt để có cảm giác tốt hơn, hoàn hảo hơn.
Do một số đòi hỏi của căn bệnh khó lòng có thể tự thực hiện và cũng không bệnh viện, bác sĩ nào chịu thực hiện, ví dụ như cắt cụt tay, chân, nên đa phần người bệnh trải qua một cuộc sống khá khó khăn với nỗi ám ảnh mà đa phần họ cũng biết là khác người - nhưng không thể cưỡng lại.
Trong khi đó, một số chuyên gia về tâm lý, tâm thần học cho rằng, đôi khi người mắc “quái bệnh” đáng sợ này cần phải được giúp đỡ thực hiện phần nào mong muốn của họ thì mới thoát khỏi cảnh sống trong trầm mặc, ám ảnh, khép kín. Nhiều ca – sau khi bằng cách nào đó, tự làm mình tàn phế hoặc bỏ tiền cho những cuộc phẫu thuật “ngoài luồng”, bệnh nhân đã cảm thấy tốt hơn và bắt đầu một cuộc sống mới đầy tự tin y như rằng việc tàn phế này mới thực sự là khỏe mạnh, là niềm ao ước của họ.
“Có một cái gì đó trong não của tôi nói với tôi rằng đôi chân của tôi không phải làm việc” – một bệnh nhân BIID tham gia trang BIID.org, cho biết trên tờ Daily Mail. Bà tên Chloe Jennings-White, hiện đang sống tại Salt Lake City, bang Utah, Mỹ, đồng thời là một nhà nghiên cứu về giáo dục ở Đại học Cambridge.
Nỗi ám ảnh của Chloe bắt nguồn từ năm 4 tuổi, khi đến thăm một người họ hàng tên Olive và thấy người phụ nữ này phải sử dụng nẹp chân sau một tai nạn xe đạp. “Tôi tự hỏi vì sao tôi không được sinh ra như họ. Tôi cảm thấy có điều gì sai trái vì tôi không có được điều đó” – Chloe chia sẻ cảm giác của mình khi đối diện với những người bị mất chân hoặc bại liệt.
Chuỗi ngày sau đó của Chloe hết sức khép kín với nhiều lần nghĩ đến hoặc cố gắng tìm kiếm những tai nạn. Năm 9 tuổi, Chloe suýt mất mạng bởi một chấn thương nặng ở cổ trong một tai nạn xe đạp. Bà cho biết mình đã tự tìm cách đưa bản thân đến với tai nạn đó để mong bị liệt. Khi lớn lên, bà tiếp tục thử thách với môn trượt tuyết đổ đèo: “Tôi trượt rất nhanh, và mục đích là làm cho nó thật nguy hiểm, có thể dẫn đến một tai nạn gãy chân nghiêm trọng khi bị rơi” – bà nói.
Hiện nay, bà Chloe đã tìm được lối thoát sau khi một bác sĩ cho phép bà mang nẹp chân và ngồi xe lăn, sống cuộc đời của một phụ nữ tàn phế một cách “giả vờ”. Quyết định này được đưa ra sau khi Chloe gặp một tai nạn xe hơi khá nặng. Sau khi tỉnh dậy, bà bị mất trí nhớ ngắn hạn và hoàn toàn không nhớ được nguyên nhân tai nạn, nhưng vẫn lờ mờ cảm nhận được rằng chính mình đã cố ý tạo ra tai nạn ấy - một dạng tai nạn giúp bà mất chân nhưng không làm hại đến người xung quanh như bà vẫn từng nghĩ đến một cách ám ảnh mỗi khi lái xe. Trước đó, bà từng cố tìm một bác sĩ chịu phẫu thuật cắt bỏ đôi chân cho mình.
Jewel thời thơ ấu sở hữu đôi mắt rất đẹp
Jewel giờ đây rất hạnh phúc khi trở thành một phụ nữ mù thực sự
Mới đây, vào năm 2015, cô Jewel Shuping (30 tuổi), hiện sống tại Bắc Carolina, Mỹ, đã trở thành nhân vật chính của nhiều bài báo và phóng sự truyền hình sau khi tự làm mù mắt mình bằng một loại dung dịch tẩy rửa. Một chuyên viên tâm lý đã giúp cô thực hiện quá trình này trong vòng 6 tháng, với quan điểm rằng đây là phương án duy nhất giúp Jewel có đời sống ổn định hơn. Hiện cô Jewel đang tiếp tục học để lấy bằng về ngành giáo dục, đồng thời tham gia nhiều công tác xã hội trợ giúp người mù. Chia sẻ câu chuyện của mình, cô cũng mong muốn vận động các nguồn lực xã hội quan tâm hơn và nhìn nhận đúng về người mắc BIID, và hy vọng “một ngày nào đó, bệnh này sẽ chữa được”. Cô cũng khuyên mọi người rằng đừng chọn giải pháp tiêu cực – tự làm mù lòa – như mình.
Bình luận (0)