Cần thêm tiếng nói độc lập của các nhà khoa học
Là khu vực duy nhất mà tất cả các quốc gia thành viên đều tham gia ký kết thực hiện Công ước Khung FCTC, Tây Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực thực hiện tốt. Các quốc gia thành viên đều rất nỗ lực triển khai giúp đảo chiều nạn dịch thuốc lá khiến tỷ lệ hút thuốc giảm dần. Tuy nhiên, tốc độ giảm chưa đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu là giảm 30% ở người trưởng thành vào năm 2030.
Hội nghị các Bên (COP) được tổ chức thường kỳ 2 năm/ lần luôn nhận được sự quan tâm của chính phủ các nước trên thế giới và Việt Nam, Bộ Y tế và các Bộ liên ngành thể hiện quan điểm kiểm soát thuốc lá toàn diện, bao gồm các sản phẩm thuốc lá mới, dựa trên việc đánh giá tác động đa chiều từ sức khỏe cộng đồng, ngân sách và an ninh quốc gia, cho đến quyền lợi của nông dân trồng thuốc lá và doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp.
Các cuộc thảo luận trực tuyến COP9 diễn ra trong tháng 11 vừa qua đã quy tụ các Bên là đại diện của các quốc gia, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức liên chính phủ và xã hội dân sự khác. Có 148 Bên (quốc gia) đã báo cáo về các biện pháp kiểm soát thuốc lá toàn diện có trong hiệp ước. Ví dụ, liên quan đến tiến độ của Điều 11, 2/3 các Bên xác nhận rằng các cảnh báo sức khỏe bắt buộc đang được hiển thị trên bao bì sản phẩm thuốc lá và 17 quốc gia xác nhận rằng họ đã áp dụng các yêu cầu về bao bì trơn đối với các sản phẩm thuốc lá.
Tuy nhiên các quan sát viên cho rằng, một số nội dung về kiểm soát thuốc lá toàn diện chưa được đưa ra bàn thảo. Khác với Hội nghị các Bên từ COP6, COP7 và COP8, tại COP9 các vấn đề liên quan tới thuốc lá thế hệ mới, vốn là đề tài được cả thế giới quan tâm lại thiếu vắng tiếng nói của chính phủ các nước, các chuyên gia y tế và giới khoa học.
Ở vai trò chỉ đạo y tế quốc tế trong hệ thống của Liên Hợp Quốc và dẫn dắt các đối tác trong đáp ứng y tế toàn cầu, giảm tác hại cũng được WHO đưa ra trong Công ước Khung FCTC như là một chiến lược quan trọng, bên cạnh chiến lược giảm cung và giảm cầu.
Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại - 3 chiến lược quan trọng của WHO nhằm kiểm soát thuốc lá toàn diện
Mỗi quốc gia cần có chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới phù hợp
Hiện nay chiến lược giảm tác hại vẫn chưa được đẩy mạnh đúng mức. Các chuyên gia cho rằng, các chính sách đang tiếp cận nên được xem xét lại dựa trên thực tiễn. Hơn 90% người vẫn lựa chọn tiếp tục hút thuốc lá, vì vậy chính sách không chỉ nên giảm cung, giảm cầu mà cần khuyến khích người hút thuốc chuyển đổi sang các hình thức sử dụng thuốc lá hoặc nicotin có hàm lượng gây hại ít hơn, đồng thời có các hạn chế phù hợp về khả năng tiếp cận, quảng bá và sử dụng sản phẩm và áp dụng các mức thuế khác nhau dựa trên: thuế đối với thuốc lá điếu đốt cháy cao hơn nhiều so với các sản phẩm cung cấp nicotin ít tác hại hơn.
Thuốc lá điếu là sản phẩm thuốc lá gây hại nhất đã được WHO xác định thông qua chuỗi nguy cơ: "… nicotin được cung cấp thông qua những sản phẩm có vị trí khác nhau trên chuỗi nguy cơ, trong đó sản phẩm cung cấp nicotin gây hại nhất chính là thuốc lá điếu đốt cháy".
Giảm tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác vẫn còn nằm trong vòng thảo luận của các nhà khoa học. Dù có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có hàm lượng chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu nhưng vẫn cần được tiếp tục thực hiện để có góc nhìn đầy đủ, toàn diện. Một điều dễ hiểu là ở cương vị của WHO, sự thận trọng trong việc kết luận về khoa học giảm thiểu tác hại của thuốc lá thế hệ mới là cần thiết.
Báo cáo tiến độ Toàn cầu năm 2018 về việc Thực hiện Công ước Khung FCTC, các quốc gia đều đánh giá rằng các sản phẩm thuốc lá và sản phẩm nicotin thế hệ mới trên thị trường của mình thường là nằm ngoài khung pháp lý hoặc những quy định có tính thực thi của các quốc gia này. Cụ thể, tại thời điểm đó chỉ 63/102 quốc gia mà thuốc lá thế hệ mới hiện diện trên thị trường đã có khung quản lý áp dụng cho các sản phẩm này.
Song song với việc tiếp tục tiến hành nghiên cứu khoa học, WHO khuyến khích mỗi quốc gia nên có chính sách kiểm soát thuốc lá thế hệ mới phù hợp, nhằm ngăn chặn thị trường chợ đen phát triển quá mức, ảnh hưởng đến chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia. Cụ thể ngay từ COP7, WHO đã đưa ra hướng dẫn quản lý đối với thuốc lá điện tử. Đến COP8, WHO xác định thuốc lá làm nóng là thuốc lá và kêu gọi các nước kiểm soát theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành theo từng quốc gia.
Bình luận (0)