Những ý kiến này được nêu ra tại tọa đàm “Bán hàng ăn uống và Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm” do Báo Pháp luật TP HCM tổ chức sáng 28-4. Tham gia buổi tọa đàm có đại diện các sở ngành như: Y tế, NN&PTNT, Công thương, KH&ĐT,… Dư luận hiện nay cho rằng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hiện do nhiều cơ quan cấp và điều đó có sự trùng lắp. Người sản xuất kinh doanh đang lúng túng nên phải tăng cường công tác tập huấn, giải thích cho người dân. Từ vụ án “Xin chào”, cần làm rõ hơn nữa về việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng An toàn thực phẩm TP HCM, hiện trên địa bàn TP có hơn 56.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó phần lớn (hơn 49.000 cơ sở) do các địa phương quản lý. Do phạm vi quản lý quá rộng nên tình hình an toàn thực phẩm chưa được như nhà quản lý mong muốn, lâu lâu lại xuất hiện tình trạng bê bối về an toàn thực phẩm.
Đề xuất quy trách nhiệm đối với nhà quản lý để xảy ra sự cố về thực phẩm
Tại toạ đàm, luật sư Phạm Minh Tâm (Văn phòng luật sư Phạm Minh Tâm) cho biết hiện nay đi chợ nào người dân cũng có tâm lý lo sợ mua nhầm thực phẩm bẩn. Việc kiểm tra như hiện nay liệu có đủ đảm bảo an toàn thực phẩm hay không. Vấn đề đặt ra là mặc dù có nhiều ban ngành cùng làm việc, tại sao hiện nay bất cứ đi chợ rau nào người dân cũng than phiền rau bẩn cả, từ miếng thịt, con cá, bó rau đều dính chất cấm hết, phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này…
Đại diện các báo đặt vấn đề: Nói về an toàn thực phẩm thì lâu nay chỉ xử lý người dân, cơ sở vi phạm còn người đứng đầu cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm thì chưa được xử lý. Điều này không công bằng. Liệu có biện pháp chế tài xử lý cơ quan quản lý? Luật sư Phạm Minh Tâm đề xuất Quốc hội nên đưa biện pháp chế tài này vào luật để các cơ quan quản lý có trách nhiệm với người dân hơn về an toàn thực phẩm.
Bình luận (0)