Để tháo gỡ một phần khó khăn liên quan việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, ngày 29-6, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023, được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với 106 danh mục thuốc, giá trị gần 9.000 tỉ đồng.
Làm việc cả cuối tuần
Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, cho biết sau khi mở thầu, các tổ chuyên gia và tổ thẩm định đang xem xét, đánh giá các hồ sơ tài chính của nhà thầu và thương thảo với họ. Trong số này, gói thầu số 1 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc gồm 46 nhà thầu. Gói thầu số 2 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên gồm 45 nhà thầu và gói thầu số 3 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Dự kiến trong tháng 7, trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.
Bộ Y tế đấu thầu thuốc tập trung nhằm bảo đảm cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế
Một thành viên Hội đồng Thẩm định quốc gia về đấu thầu thuốc cho biết sau mở thầu, nếu thuận lợi thì Hội đồng chuyên môn cũng cần khoảng 2 tuần xem xét hồ sơ, đánh giá năng lực cung ứng thuốc của các nhà thầu để có thể ra quyết định lựa chọn nhà thầu, sau đó tiến hành thương thảo, thẩm định thuốc... Trường hợp cần xác định, làm rõ thêm về hồ sơ thì thời gian có thể kéo dài thêm 1-2 tuần. Tuy nhiên, các thành viên đang cố gắng làm việc cả những ngày cuối tuần để có kết quả sớm nhất.
"Thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung, gồm: thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước, thuốc đã có ít nhất đồng thời từ 3 giấy đăng ký lưu hành của ít nhất 3 cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chí kỹ thuật. Mục tiêu của trung tâm là trong tháng 7 này sẽ hoàn tất và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu" - vị này chia sẻ.
Đàm phán giá thành công nhiều biệt dược
Cũng theo ông Dũng, trong số 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn đang được đàm phán giá thì có 15 biệt dược, chủ yếu là thuốc trị ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch, được nhà thầu đồng ý với giá Bộ Y tế đề xuất. Số còn lại đang tiếp tục đàm phán, là các thuốc có giá trị lớn như: kháng sinh; thuốc trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường; thuốc cản quang… "Với 15 thuốc mà nhà thầu đồng ý theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn, trung tâm sẽ tiến hành các bước tiếp theo quy định để có thể cung ứng thuốc cho bệnh viện trong 1-2 tuần tới. Với 47 thuốc còn lại, trung tâm cũng đang khẩn trương tiến hành các bước đàm phán tiếp theo với nhà thầu để đi đến thống nhất về giá" - đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thông tin.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn quốc gia cho biết việc đấu thầu tập trung sẽ giúp giảm giá mua thuốc trung bình từ 10%-15%, cá biệt có những loại thuốc giảm tới 30%-40%. Trước đó, việc đấu thầu thuốc tập trung trong năm 2017 - 2018 đã giảm giá được 40,14%, tương ứng gần 1.500 tỉ đồng so với giá trong kế hoạch số lượng thuốc dự trù. Hay đấu thầu thuốc tập trung năm 2018 đã giúp giảm giá 8% so với 2017 với nhóm biệt dược. "Ngay đợt đàm phán thuốc biệt dược gốc được cung ứng tới đây thì cũng có loại thuốc mà giá đã giảm tới hơn 3%" - vị này thông tin.
Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về cung ứng thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nguyên nhân chủ quan là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm không dám làm.
Còn lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết bộ đang đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá tại trung ương và địa phương.
Bình luận (0)