Lần đột quỵ cách đây 2 năm là do nhồi máu não nhưng may mắn chúng tôi kịp thời phát hiện bất thường, đưa ông đi viện sớm nên kết quả can thiệp khá khả quan, chỉ có điều ông hơi yếu nửa người bên phải. Ông vốn thuộc tuýp người hay lam hay làm , sống năng động, ít khi chịu bó gối một chỗ nên vừa từ viện về không bao lâu, ông đã tự vịn bàn ghế đứng lên tập đi lại. Tôi vẫn biết việc luyện tập sau đột quỵ là tốt nhưng lo lắng vì cảm thấy cha tôi có vẻ ép mình tập luyện nghiêm ngặt quá.
Kết quả tốt thật, đến nay, ông di chuyển đã dễ dàng, ngày nào cũng ra công viên đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ, dạo mát, gặp gỡ bạn bè, làm vườn… Bác sĩ vui lòng cho tôi hỏi: Việc duy trì lối sống như một người bình thường chưa từng bị bệnh vậy có nguy hiểm hay quá sức đối với người từng bị đột quỵ như cha tôi? Làm thế nào để phòng ngừa cơn đột quỵ lần nữa?
(Nguyễn Văn An, 39 tuổi, quận 10, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất:
Chào anh, trước hết tôi có lời chúc mừng anh về tình trạng sức khỏe của cha anh. Như trong thư của anh, bác bị nhồi máu não và đã hồi phục rất tốt.
Tôi xin khẳng định là ông rất nên duy trì lối sinh hoạt như hiện nay, tiếp tục tham gia các hoạt động mà anh đã nêu. Điều đó rất tốt cho sức khỏe của người ở tuổi như cha anh, và còn có tác dụng giúp ngăn ngừa điều anh luôn lo lắng: Một cơn đột quỵ khác cũng như phòng chống các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi.
Nhồi máu não là tình trạng tổn thương não do nhánh động mạch máu não bị tắc bởi huyết khối hoặc mảng xơ vữa, dẫn đến một vùng nhu mô não bị thiếu máu nuôi, hoại tử. Một số bệnh lý là yếu tố thuận lợi dẫn đến nhồi máu não như tăng huyết áp, rung nhĩ, xơ vữa động mạch, tiểu đường…
Cha anh rất cần phải được tầm soát, theo dõi và điều trị (nếu phát hiện) các bệnh lý kể trên. Nếu có bệnh mà không được trị, ông có nguy cơ cao tái phát cơn nhồi máu não hoặc thậm chí là xuất huyết não - một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, cho dù hiện giờ ông khỏe mạnh, không có bệnh lý mãn tính nào, anh cũng đừng quên đưa ông đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tổng quát và tầm soát bệnh lý. Bên cạnh đó, anh nên ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo một cơn đột quỵ để kịp thời ứng phó: Tê yếu nửa người, nói khó, méo miệng, thay đổi tri giác… Chỉ cần phát hiện một trong các triệu chứng kể trên, anh phải đưa cha vào viện ngay lập tức.
Bình luận (0)