Tại hội thảo "Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch Covid-19" do Báo Tiền Phong tổ chức ở TP HCM ngày 24-11, TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, cho biết số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày, TP HCM có khoảng 300 bệnh nhân đột quỵ, hầu hết đến bệnh viện muộn.
Ngoài ra, số lượng bệnh nhân đột quỵ là người trẻ gia tăng rất nhanh. Hiện nay, người dưới 40 tuổi chiếm 5% số lượng bệnh nhân đột quy.
Nhiều bác sĩ, diễn gia tham gia chia sẻ tại hội thảo ngày 24-11
Tại Viêt Nam, chỉ riêng chi phí cho trang thiết bị trong điều trị đột quỵ mỗi năm tiêu tốn hết 1.000 tỉ đồng. Tại khu vực miền Tây, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ điều trị cho trên 25.000 bệnh nhân mỗi năm, như vậy mỗi ngày phải cấp cứu 30-40 bệnh nhân.
Trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, số ca tử vong do đột quỵ tăng rất cao, có trường hợp tử vong trên đường chuyển viện.
Theo BS Cường, để phòng chống đột quỵ, người dân cần hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia. Khi có các triệu chứng của đột quỵ, cần liên hệ ngay với các bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất để được xử lý kịp thời.
Trong khi đó, tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết Covid-19 là khủng hoảng toàn cầu, dẫn tới gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân.
Ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch Covid-19.
Các rối loạn, vấn đề sức khỏe tâm thần khởi phát ngay trong dịch như cảm xúc âm tính; nhận thức tiêu cực; trầm cảm; lo âu, hoảng sợ; ám sợ; triệu chứng cơ thể; tự sát... Các rối loạn tâm thần có thể kéo dài, khởi phát kể cả sau dịch đến 2-9 năm gồm trầm cảm; ám ảnh sợ hãi…
"Do đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về Covid-19, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (năm 2020), cần duy trì, đầu tư, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trên cơ sở hiện có và mở rộng (nhân lực; mô hình…). Đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần từ xa. Cho phép mở cửa lại các trung tâm chăm sóc, điều trị tâm thần; các trung tâm giáo dục, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Chiến lược hỗ trợ sức khỏe tâm thần cần tập trung 3 nhóm nguy cơ và từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa-can thiệp mục tiêu-can thiệp chuyên sâu" - ông Công nhấn mạnh.
Bình luận (0)