Nhiều địa phương cương quyết xử lý, xử phạt những cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).
TP HCM: Nguy cơ lây lan diện rộng
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, 6 tháng đầu năm 2017, TP đã có hơn 9.100 ca SXH, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 3 trường hợp đã tử vong do SXH và 1 trường hợp tử vong có yếu tố liên quan đến bệnh này. Riêng trong tuần 26, toàn TP ghi nhận 449 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị, tăng 57% so với trung bình 4 tuần trước đó.
ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết điều kiện thời tiết ban ngày nắng nóng, chiều tối có mưa như hiện nay là cực kỳ thuận lợi cho muỗi sinh đẻ. Dự báo thời gian tới, SXH sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho rằng SXH đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhanh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Loại bỏ nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ hạn chế nguy cơ mắc bệnh Ảnh: HẢI VÂN
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, số người mắc SXH vào điều trị trong 6 tháng đầu năm nay tăng gấp đôi so với cùng thời gian năm ngoái. Trong đó, số người lớn mắc bệnh có xu hướng tăng. Theo các bác sĩ, lý do là người lớn khi bị sốt thường không theo dõi và xử trí phù hợp, dẫn đến biến chứng nặng. Bệnh nhân thường suy đa tạng, rơi vào sốc, đặc biệt với biến chứng viêm cơ tim, sốc tim có thể tử vong nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Vy Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho hay trước tình hình bệnh SXH gia tăng nhanh chóng, trong tháng 7-2017, bên cạnh hoạt động giám sát thường xuyên của các bộ phận chuyên môn, trung tâm sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các quận, huyện trong công tác phòng chống.
Hà Nội: Tăng gấp 4 lần
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội, dù ngành y tế đã có rất nhiều cố gắng nhưng dịch bệnh SXH vẫn tăng mạnh. Đến nay, TP Hà Nội đã ghi nhận gần 3.400 trường hợp mắc bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 1 trường hợp tử vong. Số người mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và tập trung nhiều tại các quận nội thành.
Có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh này gia tăng tại Hà Nội. Trong đó, đáng quan ngại là công tác điều tra, xử lý ổ dịch nhỏ chưa triệt để và chất lượng chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) còn hạn chế. Số hộ gia đình tham gia phun hóa chất chưa đạt tỉ lệ mong muốn. Thậm chí, có tình trạng nhiều hộ dân không hợp tác với cán bộ vệ sinh phòng dịch…
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết dịch bệnh SXH đang có dấu hiệu bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phía Nam và cả phía Bắc, trong đó có Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc SXH tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xử phạt người chống đối
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng hiện khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa nên bệnh SXH có xu hướng gia tăng. Tình trạng mưa sớm, mưa nhiều, sáng nắng chiều mưa tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc và miền Nam hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh SXH phát triển.
Trước tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Phu cho biết Bộ Y tế đã quyết định thành lập 9 đoàn kiểm tra về công tác phòng chống SXH và một số dịch bệnh nguy hiểm. "Kinh nghiệm của Bộ Y tế là khi công tác phòng chống dịch triển khai sớm, quyết liệt sẽ hạn chế được số ca mắc bệnh. Một trong những biện pháp quan trọng là xử lý tốt các điểm nguy cơ, kết nối thông tin giữa các tuyến trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, tăng giường bệnh cho bệnh nhân khi cần thiết; tư vấn, chuyển bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới điều trị..." - ông Phu lưu ý.
Theo ông Phu, Hà Nội và TP HCM đã triển khai thực hiện Nghị định 76/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh SXH. Tại TP HCM, 46 trường hợp đã bị phạt. Còn tại Hà Nội, Sở Y tế cũng yêu cầu các cấp đẩy mạnh chế tài những trường hợp vi phạm nhằm thay đổi ý thức và hành vi của người dân trong hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Ông Trần Đắc Phu cho biết các nghiên cứu về vắc-xin phòng bệnh SXH đã được triển khai và thử nghiệm ở một số nơi. Tuy nhiên, đến nay, vắc-xin này chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng bởi hiệu quả chưa thuyết phục và giá thành chưa phù hợp. SXH hiện vẫn là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chủ yếu dựa vào phòng chống, loại bỏ các nguồn lây.
13 người tử vong
Bộ Y tế cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc SXH trên cả nước và 13 người tử vong. Trung bình mỗi tuần, cả nước có 1.700-1.800 bệnh nhân SXH mới.
Các tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Nam, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi, TP HCM là những địa phương đang có số người mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Các tỉnh, thành khu vực phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh SXH với 80% ca mắc và 90% ca tử vong của cả nước.
D.Thu
Trẻ em cần được theo dõi sát sao
SXH bắt đầu gia tăng trong tháng 6-2917 (tăng 10%-15% so với tháng 5) khiến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) phải tổ chức một cuộc họp báo vào cuối tháng vừa qua để cảnh báo về căn bệnh này. Tại thời điểm đó, Khoa SXH có tới 116 bé phải nằm viện, trong đó 9 ca bị sốc. Từ đó cho đến những ngày đầu tháng 7, số trẻ phải điều trị nội trú vẫn vào ra liên tục, trung bình luôn có 80-100 bé nằm điều trị, có ngày lên đến trên 100 em. 60% bệnh nhi điều trị nội trú ở bệnh viện này đến từ các tỉnh, thành khác. Từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện này đã có 2 ca tử vong do SXH. Cả 2 là bệnh nhi ở tỉnh chuyển đến và tử vong do bệnh diễn tiến quá nặng.
TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết vào các năm trước, bệnh SXH bắt đầu gặp nhiều hơn vào khoảng giữa tháng 6 và cao điểm thường vào tháng 8-9.
Đa phần trẻ SXH có thể được điều trị ngoại trú nhưng phụ huynh cần theo dõi thật sát sao. Thông thường, những ngày đầu bị bệnh, bệnh nhân sốt rất cao, khó hạ. Đến ngày thứ 4-5, cơn sốt sẽ bắt đầu dịu đi, bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, nếu hạ sốt mà cảm giác mệt mỏi tăng lên thì rất nguy hiểm, có thể chính là dấu hiệu của một cơn sốc - mối nguy lớn nhất đối với bệnh nhân SXH. TS-BS Nguyễn Minh Tuấn cảnh báo phụ huynh hãy đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu bé hạ sốt nhưng các triệu chứng bệnh không đỡ như bỏ ăn, bỏ bú, không chơi đùa, quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, đi tiêu ra máu, tiêu phân đen…
A.Thư
Bình luận (0)