Mang về cả bọc thuốc to, chị Ng.T.M.Tr (ngụ quận 4, TP HCM) dúi vào tay chồng: "Vợ chồng mình phải cho con uống thêm thôi, thuốc của bệnh viện (BV) có mỗi paracetamol thế này, ăn thua gì!" - chị nói. Hôm trước, con trai 12 tuổi của chị sốt cao cả ngày. Sáng đó, chị đưa con đến BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) khám, bác sĩ chỉ cho ít thuốc thông dụng, dặn cách chăm sóc và hẹn hôm sau tái khám, xét nghiệm. Bé được chẩn đoán sốt siêu vi, nghi ngờ sốt xuất huyết.
"Lần trước tôi bị sốt siêu vi cũng thế, bác sĩ ở BV quận chỉ cho uống paracetamol, viên sủi vitamin C. Mình lớn thì không sao, chứ con nhỏ thế làm sao chống chọi lại được bệnh?" - chị Tr. bức xúc. Thế nhưng, người chồng sau một hồi xem qua bọc thuốc chị mới mua thêm đã đòi vứt đi. Bởi lẽ, anh tin tưởng vào vị bác sĩ vốn có tiếng tăm đã khám cho con. Thế là hai vợ chồng cãi vã.
Thực tế, những người có suy nghĩ như chị Tr. không hiếm. Họ không ngờ rằng căn bệnh vốn chỉ cần mấy thứ thuốc "lèo tèo" ấy, cố dùng thêm chỉ có tác dụng ngược.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, phân tích: "Có rất nhiều căn bệnh hay gặp trong mùa này vốn không có thuốc điều trị đặc hiệu, như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Dù sốt cao khó hạ, bệnh nhân rất mệt mỏi nhưng thuốc cần dùng thực ra chỉ có paracetamol, vừa hạ sốt vừa có tác dụng giảm đau nhức. Bệnh nhân có thể bổ sung các viên vitamin để tăng cường sức khỏe, chống chọi với bệnh. Với 2 căn bệnh này, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi bệnh nhân, lau mát để hạ sốt ngoài việc dùng thuốc".
Ra nhà thuốc mua thêm, người nhà có thể khai không chính xác vấn đề bệnh nhân đang gặp và đem về rất nhiều thứ thuốc không liên quan đến căn bệnh. Nguy hiểm nhất là những loại thuốc dùng không đúng chỗ còn che lấp bớt triệu chứng của căn bệnh. Ví dụ, người sốt xuất huyết nếu có triệu chứng đau bụng, ói… thì phải được đưa vào BV ngay vì đó là biểu hiện bệnh trở nặng, có thể vào sốc, nguy đến tính mạng. Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân "bị" cho dùng thuốc trị đau bụng, thuốc chống ói thì có thể không kịp thời phát hiện các "dấu hiệu báo động" và việc nhập viện sẽ chậm trễ.
Chưa kể, thuốc dùng không đúng chỗ có nghĩa là bệnh nhân không được hưởng lợi từ tác dụng của thuốc, trái lại còn mệt mỏi thêm do tác dụng phụ, ví dụ dùng kháng sinh nhiều thì dễ bị rối loạn tiêu hóa… Trên nền sức khỏe đang kém của người đang hết sức mệt mỏi vì sốt xuất huyết, tay chân miệng, rõ ràng là không tốt. Nếu bệnh nhân dùng kháng sinh còn gặp các nguy cơ gây độc thận, gan và kháng thuốc khi sử dụng nhiều lần.
Bình luận (0)