Sữa mẹ cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Đặc biệt, sữa mẹ còn có chất miễn dịch và các chất kháng viêm, có tác dụng tăng cường miễn dịch, phòng chống nhiễm khuẩn, giúp kéo giảm tử vong ở trẻ em mà không sản phẩm dinh dưỡng nào có thể thay thế được.
Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, sữa mẹ có thể ngăn chặn 50% số ca tiêu chảy, hơn 30% trường hợp viêm nhiễm và làm giảm 1/3 số ca đột tử sơ sinh. “Khi đứa trẻ vừa ra đời, bao tử chỉ mở vài mm. Khi đó, những giọt sữa đầu đời là thứ “vắc-xin” tuyệt vời nhất, không có gì sánh bằng. Những giọt “vắc-xin” này sẽ quyết định thể chất của trẻ cho đến lúc trưởng thành. Vậy mà nhiều bà mẹ lại quá thờ ơ về điều này” - bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tất cả các loài động vật có vú, chu kỳ sinh sản bao gồm cả việc mang thai và cho con bú. Không có giai đoạn này thì sẽ không loài nào (kể cả con người) có thể sống sót. Thế nhưng, ước tính trên thế giới hiện chỉ có khoảng 36% số trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Tỉ lệ này càng thấp tại Việt Nam với chỉ khoảng 20% số trẻ bú mẹ trọn 6 tháng đầu và 21,7% bú mẹ đến 2 tuổi. Ở các đô thị, vấn đề càng đáng báo động khi tỉ lệ được xác định chỉ là 1%!
Ở khía cạnh kinh tế, cái giá phải trả cho tình trạng giảm khả năng nhận thức do không được nuôi bằng sữa mẹ là khoảng 300 tỉ USD/năm, chiếm 0,49% GDP toàn thế giới. Ngược lại, nếu nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp tiết kiệm hàng tỉ USD mỗi năm nhờ giảm số ca nhập viện vì các bệnh nhiễm khuẩn.
Sữa mẹ cũng tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm bền vững khi đáp ứng 100% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong 6 tháng đầu đời; đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi và 1/3 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi. Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu việc nuôi con bằng sữa mẹ được cải thiện, nước ta có thể tiết kiệm hơn 90 triệu USD/năm, trong đó có 23 triệu USD chi phí y tế do bệnh tiêu chảy và viêm phổi trẻ em.
Giới chuyên môn nhìn nhận người phụ nữ hiện đứng trước rất nhiều rào cản trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, như chưa nhận thức đúng về lợi ích giọt sữa đầu đời, không có thời gian cho con bú, sức tác động của thế trận quảng cáo các loại sữa thay thế sữa mẹ... Thế nhưng, vì tương lai phát triển của con trẻ và vì chất lượng dân số, sự quyết định phụ thuộc vào nhận thức của những người làm mẹ để những giọt sữa đầu đời quý giá được sử dụng một cách tốt nhất.
Bình luận (0)