Tại Việt Nam, bệnh cũng rất thường gặp nhưng chưa thực sự được giới thầy thuốc và bệnh nhân chú ý. Cho đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ về loại bệnh này. Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống ở nước ta.
Tùy theo vị trí và nguyên nhân của tổn thương, bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới được chia làm 4 nhóm:
- Nhóm giãn tĩnh mạch tiên phát hay còn gọi là giãn tĩnh mạch vô căn.
- Nhóm giãn tĩnh mạch thứ phát (thường do viêm tĩnh mạch).
- Giãn tĩnh mạch ở người có thai (do tác dụng của nội tiết tố sinh dục nữ và chèn ép của tử cung khi có thai).
- Giãn tĩnh mạch bẩm sinh (do sự bất thường của thành tĩnh mạch).
Về biến chứng của suy tĩnh mạch, trước hết, có thể đề cập các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
Giai đoạn cuối có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh mạch giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Đáng chú ý là cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Trên thực tế, chỉ có một số người thuộc nhóm có nguy cơ cao là hay bị bệnh giãn tĩnh mạch. Di truyền là mẫu số chung cho những bệnh nhân này. Trong thực hành bệnh viện hằng ngày, chúng tôi nhận thấy có một số người dễ bị mắc bệnh hơn những người khác là do di truyền. Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt; do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp. Ngoài ra, những người tăng trọng quá mức, ăn nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.
Thực tế cho thấy bệnh suy tĩnh mạch mạn tính làm giảm mạnh chất lượng cuộc sống, nhất là ở những người trẻ tuổi. Bệnh nhân luôn khó ngủ vì cảm giác tê rần 2 chân và chuột rút, đi lại khó khăn, mặc cảm với bạn bè vì nổi tĩnh mạch ở chân (không thể mặc váy hay quần ngắn ở phụ nữ), ngại đi ra ngoài, khó khăn trong việc đi bộ và chơi thể thao...
Trong vấn đề giãn tĩnh mạch, hãy phòng bệnh bằng các phương pháp rất đơn giản như tránh béo phì, tránh đứng lâu, tránh táo bón, siêng tập thể dục, ăn các thức ăn giàu vitamin và nhiều chất xơ... Luôn nhớ rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh!
Bình luận (0)