Bạn đọc Tr.T.H.M. (27 tuổi;quận 4, TP HCM) hỏi: Con tôi đã mấy lần bị sặc thức ăn nặng, cách đây 1 tháng thậm chí bé bị nặng đến nỗi thở không được, mặt tím cả lại, tôi hoảng hốt chạy đi kêu cứu, may có người hàng xóm chạy qua vỗ lưng mạnh mấy cái, miếng đồ ăn bật ra, cháu thở lại được. Cháu sau đó sợ hãi và phải vào viện vì họng đau rát. Cháu đã được chụp phim, kiểm tra kỹ nhưng không phát hiện bất thường gì khiến bé dễ sặc. Một người bạn tôi biết chuyện thì bảo tại tôi hay cho con vừa ăn vừa chơi nên mới sặc nhiều lần thế và dễ dẫn đến tai nạn nguy hiểm. Bạn tôi nói có đúng không thưa bác sĩ?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Đúng là bạn nên chấm dứt việc cho trẻ vừa ăn vừa chơi khắp nhà, đó có thể là nguyên nhân khiến bé dễ sặc như bạn của bạn nói.
Bất lợi đầu tiên của việc vừa ăn vừa chơi là việc hoạt động thể chất mạnh khiến hệ hô hấp phải hoạt động mạnh, tim đập nhanh, thực quản bị ép lại, khiến bé nuốt đồ ăn khó khăn.
Nguy hiểm hơn là việc sặc thức ăn. Phía trên khí quản có cơ quan gọi là nắp thanh môn: nắp này mở ra khi chúng ta thở, đóng lại khi chúng ta ăn uống. Bạn có thể quan sát: không ai có thể vừa thở vừa nuốt nước, thức ăn.
Khi chơi, bé phải thở nhiều, việc vừa ăn vừa chơi khiến nắp này chưa kịp đóng lại thức ăn đã trôi xuống, hoặc thức ăn đang xuống nó lại mở ra để thở và thế là thức ăn chui vào khí quản, gây sặc, thậm chí là nghẹt thở hoàn toàn như trường hợp con bạn đã bị.
Hoạt động của nắp thanh môn ở trẻ nhỏ chưa thuần thục, ở người lớn tuổi thì không còn đủ nhạy bén nên người già và trẻ nhỏ dễ sặc khi ăn nhất. Tương tự việc chạy chơi, vừa ăn vừa nói cũng ảnh hưởng đến hoạt động của nắp này và dễ gây sặc.
Trẻ em nên được tập cho ngồi ăn một chỗ ngay từ nhỏ, lúc nhỏ thì có ghế ăn trẻ em, lớn lên như con bạn phải tập ngồi vào bàn, tự cầm muỗng. Bạn không nên nuông chiều, chạy theo con để đút ăn nữa vì như tôi đã nói, việc vừa ăn vừa nói, vừa chơi có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm.
Bình luận (0)