Sáng 13-4, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã tổ chức họp báo về 2 ca tai nạn trẻ em đáng chú ý mà nơi này vừa xử lý.
Bệnh nhân đầu tiên là một bé gái mới hơn 10 tháng tuổi, nhà ở Hóc Môn. Theo cha cháu bé, ông ở nhà với bé nhưng vừa nằm nghỉ một lúc thì phát hiện không thấy con đâu. Ông vội đi tìm và phát hiện con bị té úp mặt vào chậu nước. Cháu bé được người nhà cấp cứu sơ bộ tại chỗ rồi đưa đến Bệnh viện Hóc Môn gần đó để cấp cứu, bé được đặt nội khí quản, cố gắng hồi sức suốt nửa tiếng đồng hồ rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, tuy nhiên lúc này bé đã bị tím tái, trụy mạch, đồng tử giãn, thiếu oxy não rất nặng. Các bác sĩ đã cố gắng tiếp tục hồi sức tích cực, nhưng sau 2 ngày chiến đấu với tử thần, cháu bé cũng tử vong do trụy mạch, não không thể hồi phục.
BS Võ Thanh Vũ, Phó khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng đây là một tai nạn rất cần được lưu tâm trong thời điểm này. Bởi lẽ, thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa nắng nóng, trong nhiều gia đình hay trữ nước. Nếu các vật chứa không có nắp đậy, không có các biện pháp ngăn chặn trẻ thì sẽ rất nguy hiểm.
BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện này đưa ra lời cảnh báo về tình trạng ngạt nước do té vào vật chứa trong nhà. Ngoài ra, phụ huynh nên trang bị kỹ năng hồi sức cấp cứu cơ bản để kịp ứng phó khi có chuyện không may xảy ra. Với trẻ đuối nước, “thời gian vàng” chỉ khoảng 4 phút. Nếu được ấn tim, thổi ngạt đúng cách và kịp thời, trẻ sẽ có cơ hội được cứu sống và hạn chế được di chứng.
Bé thứ 2 là bé trai C.N.B. (4 tuổi, đến từ Long An). Cháu bé được đưa vào bệnh viện sau khi hít phải một mẩu nhựa là lõi của cây kèn đồ chơi vào đường thở. Trong trường hợp này, BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai mũi họng của BVcho rằng cháu khá may mắn vì khi hít phải dị vật, nó đã vào thẳng phổi bên phải, không chẹn hoàn toàn đường thở mà chỉ khiến một bên phổi bị ứ khí, hạn chế khả năng hô hấp. BS Bùi Đoàn Hải Linh, Khoa Tai mũi họng, người trực tiếp điều trị cho bé B. cho biết: bé nhập viện vào đầu giờ chiều 12-4, tuy nhiên do bé vừa ăn cơm nên phải đợi đến hơn 21 giờ tối cùng ngày, các bác sĩ mới có thể gây mê và soi gắp dị vật cho bé. Hiện sức khỏe bé đã ổn định.
Theo BS Nguyễn Tuấn Như, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận đến vài chục ca trẻ hít phải dị vật. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dị vật dù không ngăn chặn toàn bộ đường thở dẫn đến ngạt cấp thì cũng sẽ gây viêm, nhiễm trùng ở khu vực nó mắc lại, nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ, thậm chí nguy đến tính mạng nếu để quá lâu và gây viêm phổi nặng. Có ca tương tự dị vật đã gây áp xe, phải cắt bỏ một phần phổi.Còn nếu dị vật không may chặn toàn bộ đường thở, cháu bé sẽ ngạt ngay lập tức, nếu không kịp thời cấp cứu, tống dị vật ra và hồi sinh tim phổi thì tính mạng bệnh nhân sẽ là chuyện khó lường.
Dấu hiệu ban đầu để phát hiện dạng dị vật đường thở không hoàn toàn này chính là tiếng thở bất thường ở trẻ. Khi ấy, phụ huynh nên đưa ngay bé đến bệnh viện để kiểm tra.
Bình luận (0)