Thông tin này vừa được công bố cuối tuần qua tại hội nghị khoa học với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tim mạch và chuyển hóa thế kỷ XXI” do Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết và ĐTĐ TP HCM phối hợp với Merck KGaA Việt Nam tổ chức, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế cùng hơn 400 y, bác sĩ ở nhiều tỉnh, thành cả nước tham gia.
Các chuyên gia cảnh báo nhân loại đang đối mặt với “đại dịch” mới của thế kỷ XXI: Căn bệnh rối loạn chuyển hóa - ĐTĐ. Theo thống kê của Hiệp hội ĐTĐ thế giới, năm 2013 thế giới có hơn 380 triệu người mắc bệnh và dự báo sẽ tăng lên 592 triệu người trong năm 2035. Hằng năm căn bệnh này cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người. Chi phí chữa trị cho ĐTĐ cũng ngốn ngân sách khá lớn ở các quốc gia. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, mỗi người mắc ĐTĐ sẽ tiêu tốn 25% thu nhập của gia đình, ở Mỹ là 10%, một số quốc gia khác từ 10%- 20%. Tại Việt Nam có 5,7% dân số mắc bệnh ĐTĐ và là một trong những nước có tốc độ phát triển ĐTĐ nhanh nhất thế giới; 70% bệnh nhân ĐTĐ không được phát hiện, điều trị và hơn 85% số bệnh nhân khi được phát hiện đã có biến chứng dẫn đến việc điều trị hết sức khó khăn.
“Tảng băng chìm” bệnh tật đang lộ rõ từng ngày khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận cứ mỗi ngày có khoảng 3.600 bệnh nhân ĐTĐ type 2 mới được chẩn đoán phát hiện. Thảm họa sức khỏe toàn cầu phải gánh chịu vì bệnh này gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tim mạch, võng mạc, suy thận, bệnh lý thần kinh ngoại biên…, trong đó đáng lo ngại nhất là những biến chứng về tim mạch.
Theo GS-TS Brian Tomlinson, Tổng Thư ký Hiệp hội Nghiên cứu xơ vữa động mạch châu Á - Thái Bình Dương, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cứ 2 giây sẽ có một người chết do bệnh tim mạch, 4 giây sẽ có một người bị nhồi máu cơ tim, 5 giây có một người bị tai biến mạch máu não và cứ 3 người tử vong thì một người mắc bệnh tim mạch.
Mở chương trình đào tạo quốc tế về đái tháo đường
Trong buổi khai giảng chương trình đào tạo quốc tế về ĐTĐ được tổ chức ngày 14-4 tại TP HCM, Liên đoàn ĐTĐ quốc tế (International Diabetes Federation) ước lượng tỉ lệ lưu hành của bệnh ĐTĐ ở Việt Nam là 4% vào năm 2012 và hiện gia tăng với tỉ lệ 5,5%/năm.
Đào tạo quốc tế về ĐTĐ là chương trình có sự hợp tác của 5 trung tâm đào tạo (Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Y Dược Huế, Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Nội tiết trung ương) với Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam và Hội ĐTĐ Mỹ (ADA). Trong thời gian đào tạo 3 năm (2014-2016), 1.500 bác sĩ Việt Nam sẽ được cập nhật kiến thức thực hành theo tiêu chuẩn về bệnh ĐTĐ để có thể kiểm soát tốt hơn bệnh ĐTĐ, nhất là ở giai đoạn sớm.
P.Đào
Bình luận (0)