Công trình dẫn đầu bởi TS Celine Ben Hassen và TS Caroline Goupille từ ĐH Tours và Bệnh viện trung tâm ĐH khu vực Tours (Pháp) đã phát hiện vai trò lớn của cholesterol đối với bệnh ung thư vú. Đây là loại ung thư có số ca mắc nhiều nhất thế giới - theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với đa số ca bệnh là phụ nữ.
Theo News-Medical, các mô hình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều cholesterol nói chung làm tăng khoảng 20% nguy cơ phát triển khối u trong bệnh ung thư vú nhưng không phải loại cholesterol nào cũng vậy.
Các loại thực phẩm giàu cholesterol "tốt" HDL (Ảnh minh họa từ Internet)
Trên kết quả xét nghiệm máu, tình trạng "mỡ máu" có thể được phản ánh qua 4 chỉ số: cholesterol toàn phần, cholesterol "xấu" LDL, cholesterol "tốt" HDL và chất béo trung tính triglyceride.
Các bác sĩ và nhà khoa học luôn khuyên mọi người giữ mức cholesterol "tốt" HDL đừng quá thấp trong khi 3 chỉ số còn lại thì không nên ở mức cao. Nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn lipid máu (mỡ trong máu), ảnh hưởng lớn đến nguy cơ tim mạch.
Nghiên cứu mới cho thấy cholesterol ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú cũng tương tự. Theo đó, nồng độ cholesterol "tốt" HDL thường đi kèm với nồng độ estrogen. Những đặc điểm này đều thúc đẩy sự khởi phát và phát triển của ung thư vú. Thậm chí, cholesterol "tốt" HDL thấp còn làm tăng nguy cơ tử vong. Ngược lại, cholesterol "xấu" cao lại làm tăng mọi nguy cơ liên quan ung thư vú.
Vì vậy, lời khuyên của các nhà khoa học là mọi người, kể cả nam giới - vốn cũng có nguy cơ ung thư vú dù thấp hơn, nên bổ sung cholesterol "tốt" HDL trong bữa ăn. Cholesterol "tốt" HDL có trong dầu ô liu, các loại đậu, hạt, quả hạch, cá dầu (cá thu, cá hồi, cá mòi, cá trích...), quả bơ, ca cao - chocolate đen, thực phẩm có màu tím tự nhiên...
Trong khi đó, nếu muốn giảm cholesterol "xấu" LDL, chúng ta cần giảm dùng thịt đỏ (thịt bò, heo, cừu), thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội, thịt hộp...), các món chiên và nước, dầu mỡ chứa nhiều chất béo bão hòa (dầu dừa, dầu cọ, mỡ động vật trừ mỡ cá...).
Bình luận (0)