Bà L. bị vảy nến da 8 năm và đang điều trị bằng thuốc tại địa phương. Khoảng 4 năm gần đây bà L. xuất hiện đau nhức nhiều khớp. Sau khi khám ở một bệnh viện tại TP HCM, bà L. được chẩn đoán viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, bà L. không điều trị liên tục theo chỉ dẫn của bác sĩ mà tự ý uống một loại thuốc Nam.
Khoảng 2 tháng nay, bà bị sưng đau nhiều các khớp bàn tay, ngón tay, cổ tay, khớp gối và khớp cổ chân 2 bên. Bên cạnh đó, tình trạng vảy nến trên da ngày càng nặng, lan toàn thân khiến bà không tự đi lại được.
Bệnh nhân L. được điều trị vảy nến thành công
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, sau 2 tháng điều trị với các thuốc cổ điển, bệnh tình đáp ứng kém. Bác sĩ chỉ định người bệnh điều trị bằng thuốc sinh học. Sau khi tiêm 5 mũi thuốc sinh học, vảy nến trên da người bệnh đã hết hoàn toàn, đau khớp giảm 90%, hiện bà L. có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
Theo ThS-BS Phạm Huỳnh Tường Vy, Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, người bệnh viêm khớp vảy nến thường gặp những triệu chứng như mệt mỏi, sưng, đau các gân, sưng ngón tay, ngón chân và đôi khi có hình ảnh như khúc dồi; cứng khớp, sưng, đau một hoặc nhiều khớp, giới hạn vận động khớp, cứng khớp buổi sáng; móng tay chân bị lõm, rỗ; tiêu chảy (viêm ruột), đỏ và đau mắt (viêm màng bồ đào).
"Các triệu chứng này có thể giống với các bệnh khớp khác như viêm khớp dạng thấp, gout, các thể viêm khớp cột sống… nên rất dễ nhầm lẫn, cần phải chẩn đoán đúng chuyên khoa, tốt nhất là nên đi khám bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc, vì sẽ bị nhiều biến chứng đến sức khỏe, cụ thể như trường hợp bệnh nhân L. " - BS Phạm Huỳnh Tường Vy khuyến cáo.
Bình luận (0)