Khi chúng tôi làm việc với các bệnh viện phụ sản để thực hiện chuyên đề dự phòng HIV từ mẹ sang con, nhiều bác sĩ (BS) đề nghị nên có thông tin cảnh báo thêm về dự phòng lây truyền virus viêm gan B (HBV) từ mẹ sang con. Rất nguy hiểm, có đường lây như nhau (đường máu, tình dục, mẹ truyền sang con) nhưng HBV có vẻ như ít gây sợ hãi hơn HIV, dẫn đến việc các bà mẹ không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc dự phòng.
Tỉ lệ nhiễm rất cao
Theo báo cáo của Trung tâm Chẩn đoán Y khoa MEDIC (TP HCM) được trình bày tại một hội thảo quốc tế về viêm gan siêu vi B và C do Sở Y tế TP HCM và một số đơn vị phối hợp tổ chức hồi cuối tháng 7-2016, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B (HBV) ở TP HCM lên đến 18,8% người dân. Tuy hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị viêm gan siêu vi B và tỉ lệ phát triển thành viêm gan mãn ở người lớn không cao nhưng điều đó cũng đủ để gây ra nhiều hệ lụy trong cộng đồng.
Đăng ký khám thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM
BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết tất cả thai phụ trong lần khám thai đầu tiên đều được tiến hành các xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm HBV. Nếu thai phụ bị nhiễm, BS sẽ tùy từng trường hợp mà lên kế hoạch theo dõi, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Thai phụ chỉ nhiễm mà chưa diễn tiến thành viêm gan thì tiên lượng tốt hơn nhưng vẫn phải theo dõi sát sao vì nếu bệnh đột ngột bùng lên thành viêm gan rõ ràng trong thai kỳ thì nguy cơ bé bị nhiễm từ mẹ sẽ tăng cao, từ đó các biện pháp dự phòng phải gắt gao hơn.
TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, bày tỏ sự lo ngại: Có những thai phụ đã bị viêm gan nhưng vẫn quyết từ chối tiêm vắc-xin, huyết thanh cho con ngay sau sinh, dẫn đến nguy cơ rất cao cho bé. Nguyên nhân chủ yếu là họ sợ tác dụng phụ của vắc-xin. Vì thế, công tác tư vấn dự phòng căn bệnh này cho thai phụ là hết sức quan trọng. Theo bà, nếu việc trẻ sơ sinh có thể nhiễm HIV từ mẹ được các thai phụ có HIV hết sức quan tâm, tìm đủ mọi cách để giúp con thoát bệnh thì những thai phụ nhiễm HBV lại ít lo lắng về căn bệnh của mình hơn. Khó nói nhiễm loại virus nào đáng sợ hơn. Bởi lẽ, trẻ nhiễm HBV từ khi lọt lòng vẫn có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong tuổi thơ hay khi lớn lên. Bên cạnh đó, tỉ lệ nhiễm virus này trong cộng đồng lại cao, không loại trừ các thai phụ.
Nguy cơ lớn cho trẻ
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), nếu một trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV từ mẹ thì tiên lượng sẽ rất xấu. Thứ nhất, trong vòng 3-4 tháng sau sinh, bé có thể bị bùng phát một đợt viêm gan cấp rất nặng, gây suy gan, rối loạn đông máu… rất nguy hiểm cho trẻ. Thứ hai, nếu có vượt qua được đợt viêm gan cấp, 90% số trẻ này sẽ diễn tiến thành bệnh nhân viêm gan mạn, sau đó là các nguy cơ xơ gan, ung thư gan. Trong khi đó, tỉ lệ này chỉ là 5% ở người lớn nhiễm HBV.
Tuy nhiên, BS Khanh cũng đưa ra một con số khá lạc quan: Trên 90% trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan do siêu vi B sẽ thoát khỏi căn bệnh nếu có biện pháp dự phòng chặt chẽ, như mẹ đi xét nghiệm và được phát hiện sớm, uống thuốc để giảm nồng độ virus từ khi mang thai, trẻ mới ra đời được tiêm vắc-xin, sử dụng huyết thanh phòng bệnh...
Ngoài HBV, các BS cũng khuyên thai phụ nên lưu ý cả virus viêm gan C - vốn cũng có tỉ lệ nhiễm vài phần trăm trong cộng đồng nhưng các nguy cơ gây ra đối với sức khỏe thì lớn hơn.
Nên đi khám thai sớm
Các BS sản khoa khuyên các thai phụ nên đi khám thai lần đầu sớm, đừng quá 2-3 tuần sau khi trễ kinh. Lần khám thai này không chỉ có giá trị phát hiện sớm viêm gan siêu vi B mà còn giúp xác định sơ bộ tình trạng thai, phát hiện những căn bệnh hay vấn đề sức khỏe khác có ảnh hưởng đến thai kỳ. Nếu mẹ có bệnh (viêm gan siêu vi B nói riêng và các căn bệnh khác nói chung) sẽ được lập kế hoạch theo dõi đặc biệt, được hướng dẫn khám thai và sinh nở ở tuyến phù hợp và phương pháp dự phòng… Ngoài ra, nếu đã biết mình có bệnh, thai phụ nên thông báo sớm với BS về các phương pháp điều trị đang áp dụng khi phát hiện có thai hoặc có kế hoạch có thai.
Bình luận (0)