Mới hơn 3 tuổi nhưng bé N.N.T.A (quận Bình Thạnh - TPHCM) đã có thể làm rất nhanh các phép tính trong phạm vi 100, vốn thuộc trình độ của học sinh lớp 2. Cha mẹ bé vui mừng đi khoe khắp nơi và còn cho rằng con mình có “tính cách của một nhà khoa học” vì bé kiên quyết chỉ thể hiện khả năng đặc biệt này khi nào mình thích; không thích chơi với bạn bè hay người lớn nhưng có thể ngồi một mình cả buổi với cây viết, hí hoáy viết những con số, phép tính.
Sự phát triển thiếu cân bằng
Tại các đơn vị tâm lý – tâm thần nhi, nhiều “thần đồng” được cha mẹ đưa đến khám cũng vì những biểu hiện bất thường trong giao tiếp, thể hiện tình cảm, ứng xử… BS Nguyễn Thị Giang, Trưởng Khoa Khám trẻ em và BV ban ngày - BV Tâm thần TPHCM, kể lại: “Có cháu bé chưa đến 4 tuổi nhưng lúc ngồi trong phòng khám cứ chỉ vào các vật dụng có chữ, ngay cả nhãn hiệu của máy in, máy lạnh bằng tiếng nước ngoài và đọc rất chính xác. Cháu bé khác thì chưa rành tiếng Việt nhưng lại thạo… tiếng Anh. Ở nhà, cha mẹ bé mời thầy về dạy tiếng Anh cho chị, bé nghe được nên thuộc luôn, rành cả mặt chữ. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, nếu quan sát kỹ sẽ thấy nhiều bé chỉ đọc một cách vô hồn. Cách đây nhiều năm, tôi cũng gặp một bé bị tự kỷ lúc 4 tuổi. Bé tự đọc khi thấy bất cứ chữ ở đâu và đọc được lời bài hát khi gia đình hát karaoke nhưng chỉ đọc theo quán tính chứ không phải có mục đích. Đến nay, 16 tuổi, bé vẫn chỉ là một trẻ tự kỷ, không có khả năng tự chăm sóc bản thân, chỉ tồn tại khả năng đọc như vậy”.
Lưu ý các mốc phát triển
Theo hướng dẫn của Khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1, phụ huynh nhận biết sự phát triển của con bình thường hay không qua việc theo dõi sự phát triển các mặt xã giao - tâm hồn, trí tuệ, cơ thể, sự sáng tạo - truyền thông với các mốc cụ thể. Ở mặt xã giao - tâm hồn, trẻ 0-9 tháng tuổi có thể phản ứng khi được ôm ấp, đu đưa, nghe tiếng người khác, mỉm cười, thích nhìn mặt người khác, nhìn thú vật…
Giai đoạn 9-18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có biểu hiện lệ thuộc vào người trưởng thành quen thuộc và lo sợ người lạ mặt, bắt đầu học những quy luật đơn giản, có sự thay đổi tâm trạng và có khả năng biểu lộ điều mình muốn… Khi 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi rưỡi, trẻ hay chơi một mình nhưng thích có nhiều người ở xung quanh, thích giúp đỡ người lớn, biểu hiện thiếu tự nhiên với người lạ mặt… |
Như sự bù trừ
Theo BS Thắng, trước đây, người ta cho rằng tự kỷ đến từ sự giáo dục không tốt của gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, y học đã nghiên cứu và đưa ra nhiều nguyên nhân thực thể của căn bệnh này là do nhiễm virus hoặc trục trặc trong giai đoạn phát triển của hệ thống thần kinh, do gien. Trẻ tự kỷ thường mất khả năng giao tiếp nhưng nhận thức không mất, nhiều trẻ vẫn có trí năng bình thường dù ngôn ngữ, hành vi lại không bình thường.
Như một sự bù trừ, một số trẻ xuất hiện những năng lực “thần đồng” trong quá trình phát triển; trong vô số những mặt hoạt động tâm thần bị hạn chế, có những mặt lại phát triển tốt. Những “thần đồng” tự kỷ này thường là các trẻ có khiếm khuyết về mặt xã hội và những gì trẻ có được giống như cơ chế sinh tồn, giúp cân bằng phần nào khiếm khuyết để tồn tại. Các “thần đồng” này rất cần được điều trị, giáo dục đặc biệt để dễ dàng hòa nhập hơn với xã hội, càng điều trị sớm thì hiệu quả càng cao.
BS Giang lưu ý: Một đứa trẻ bình thường sẽ phát triển phù hợp theo lứa tuổi về các mặt trí tuệ, biểu hiện cảm xúc, hành vi, kỹ năng giao tiếp… một cách hài hòa và đồng đều. Nếu sự phát triển này lệch pha, tức chỉ một chức năng nào đó “lóe sáng”, còn các chức năng khác lại hạn chế so với lứa tuổi thì nên coi chừng. Trường hợp này, phụ huynh nên đưa trẻ đến BS chuyên khoa để được kiểm tra toàn diện. Hiện tượng “thần đồng” cũng nằm trong nhiều bệnh lý khác thuộc lĩnh vực tâm thần nhi như: chậm phát triển tâm thần, rối loạn tăng động và các dạng rối loạn phát triển…
Bình luận (0)