Như chúng ta đều biết, vitamin rất quan trọng đối với đời sống và sức khỏe con người. Chúng không những có vai trò duy trì cuộc sống mà còn có tác dụng ngăn ngừa và phòng bệnh.
Vitamin, hay còn gọi là sinh tố, là phân tử hữu cơ cần thiết cho mọi hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể. Có nhiều loại vitamin và chúng cũng khác nhau về bản chất hóa học lẫn tác dụng sinh lý. Do là thuốc nên việc sử dụng vitamin cần phải đúng, đủ liều và tuyệt đối không được lạm dụng vì khi lạm dụng có khả năng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Dưới đây, xin dẫn một số loại thường dùng:
Vitamin B1 (còn gọi là thiamin): Là vitamin tham gia vào nhiều phản ứng chuyển hóa, đặc biệt là chuyển hóa glucid (đường, bột). Đối với vitamin B1, nhu cầu hằng ngày khoảng 1,5 mg. Nhu cầu vitamin B1 cần đáp ứng cho cơ thể con người phải đạt 0,4 mg/1.000 kcal; khi lượng này thấp hơn 0,25 mg/1.000 kcal sẽ gây nên bệnh tê phù. Là loại vitamin lành nhưng cũng có trường hợp gây phản ứng tuy ít gặp. Ngoài gây sốc phản vệ khi tiêm, dùng vitamin B1 có thể bị các tác dụng phụ như tăng huyết áp cấp, ngứa, nổi mề đay, khó thở, kích thích tại chỗ tiêm.
Vitamin B2: Nhu cầu vitamin B2 mỗi ngày cho cơ thể tùy thuộc giới tính, lứa tuổi. Ví dụ, trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi là 0,4 mg, 6 - 12 tháng: 0,5 mg, 4 - 6 tuổi: 1,1 mg, 15 - 18 tuổi: 1,8 mg, 19 - 50 tuổi: 1,7 mg, từ 51 tuổi trở đi chỉ cần 1,2 mg/ngày. Nam giới cần 1,6 mg, nữ giới 1,2 mg/ngày. Vitamin B2 không độc nhưng khi dùng liều cao thì nước tiểu sẽ chuyển màu vàng nhạt, gây sai lệch đối với một số xét nghiệm nước tiểu trong phòng thí nghiệm.
Vitamin B3 (còn gọi là vitamin PP): Có thành phần hoạt chất là axít nicotinic hoặc nicotinamide; là loại vitamin không được dự trữ và rất ít khi được tạo ra bởi quá trình tổng hợp chất. Do đó, nó phải được hấp thụ thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Vitamin B3 giúp giảm lượng cholesterol, giúp ích cho quá trình tuần hoàn máu và hình thành hệ thần kinh. Nó cũng can thiệp vào quá trình tổng hợp các hormone giới tính. Bằng cách kích thích sự tổng hợp chất sừng, vitamin B3 tham gia cải thiện vẻ đẹp làn da và mái tóc. Nhu cầu vitamin B3 hằng ngày của người trưởng thành là từ 15 - 18 mg. Cũng như những vitamin khác của nhóm B, nó sẽ được nạp vào cơ thể vận động viên với liều lượng cao hơn. Người nghiện rượu cũng cần nạp một lượng vitamin B3 cao hơn trung bình. Tuy nhiên, vitamin B3 có thể tạo ra cơn bốc hỏa, buồn nôn, đánh trống ngực xuất hiện khi dùng thuốc và tự hết sau 30 - 40 phút.
Vitamin B6: Hòa tan trong nước, chịu nhiệt nhưng bị tia tử ngoại, sự ôxy hóa phân hủy. Vitamin B6 giúp duy trì các chức năng bình thường của não bộ, giúp tạo hồng huyết cầu, kháng thể, estrogen (hormone nữ). Vitamin B6 còn điều hòa sự sản xuất hóa chất ở não bộ, kiểm soát tình trạng ngủ nghỉ, cảm xúc. Vitamin B6 cũng được dùng để chữa các trường hợp thiếu máu, không đáp ứng với khoáng chất sắt.
Mỗi ngày trung bình nên tiêu thụ khoảng 2 mg vitamin B6. Người già và phụ nữ có thai hoặc đang dùng viên uống tránh thai có nhu cầu cao hơn. Ngoài ra, nhu cầu cũng tăng theo tỉ lệ thuận với thành phần chất đạm trong bữa ăn.
Tuy nhiên, khi thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ. Liều cao vitamin B6 (trên 10 g/ngày) có thể làm cho gan tạo ra các men bất thường.
Vitamin B12: Điều hòa chuyển hóa đạm, tăng cường tạo hồng cầu, làm hạ tỉ lệ cholesterol. Ngoài ra, vitamin này còn có tác dụng chống dị ứng, giảm đau. Thiếu vitamin B12 và axít folic làm tổn thương đến sự tổng hợp axít nucleic, ảnh hưởng tới chức phận tạo máu và hệ thần kinh. Tuy nhiên, lạm dụng vitamin B12 có thể gây tăng sản tuyến giáp, làm tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim...; có khi xảy ra tác dụng thứ phát gây nôn nao, choáng váng, nổi mề đay. Liều trung bình là từ 100 - 500 mcg/ngày. Sử dụng liều cao cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Một số thuốc tránh dùng với vitamin B3
Vitamin B3 là thuốc gây giãn mạch, do đó thường gây ra hiện tượng đỏ bừng mặt và hạ huyết áp. Vì vậy, tránh phối hợp vitamin B3 với thuốc điều trị cao huyết áp vì có thể gây hạ huyết áp quá mức. Nên tránh kết hợp vitamin B3 với các thuốc chống đông máu vì nó làm tăng tác dụng của thuốc, gia tăng nguy cơ gây chảy máu. Cũng tránh dùng vitamin B3 với thuốc kháng sinh tetracyclin bởi loại vitamin này làm giảm sự hấp thu và hiệu quả của thuốc.
Bình luận (0)