xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thành tựu mới từ ghép gan cho bệnh nhi

NGUYỄN THẠNH

Ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó của ghép tạng, với những đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật

Mỗi năm, ở nước ta có hàng trăm trẻ em mắc bệnh về gan, cần phải ghép gan để giành lại sự sống. Việc thực hiện thành công những ca ghép gan trẻ em đầu tiên do Việt Nam tự thực hiện mở ra nhiều hy vọng cho các bệnh nhi bị bệnh lý về gan nặng, có chỉ định ghép gan.

Không còn phụ thuộc chuyên gia

Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa thực hiện ghép gan thành công cho một bé gái 2 tuổi vào ngày 29-12-2021. Bệnh nhi là bé N.N.T (ngụ tại Đồng Nai). Bé T. nhập viện trong tình trạng da vàng sạm, bụng báng to và nôn ra máu. Trước đó, bệnh nhi được phát hiện bị teo đường mật bẩm sinh khi gần 2 tháng tuổi, được phẫu thuật nối ruột và đường mật (phẫu thuật Kasai) nhưng bệnh vẫn không giảm.

Thời điểm nhập viện, tình trạng xơ gan của bé T. đã vào giai đoạn cuối. Để cứu sống bé T., ghép gan là phương pháp duy nhất. Các thành viên trong gia đình đều mong muốn có thể hiến gan cho bé, song chỉ có cha bé, anh N.V.N (30 tuổi), mới có các chỉ số phù hợp.

Ca ghép gan cho bé T. là ca ghép gan trẻ em đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đây cũng là ca ghép gan thành công đầu tiên do đội ngũ y - bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thực hiện.

Thành tựu mới từ ghép gan cho bệnh nhi - Ảnh 1.

Ca ghép gan bệnh nhi đầu tiên cuối năm 2021 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

TS-BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng Khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết trẻ em bị teo đường mật bẩm sinh, phẫu thuật Kasai chỉ là giải pháp tạm thời, nếu không ghép gan, có đến 80% các bé mắc bệnh này sẽ không qua khỏi ở khoảng 2 tuổi. Ca ghép gan của bé T. được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cha của bé sau 1 tuần (khi cho gan) sức khỏe cũng ổn định. Riêng bé T., sau 4 tuần hồi sức, chăm sóc sức khỏe cũng đã phục hồi, ngày càng hồng hào, năng động, ăn uống tốt.

"Từ khi sinh ra bé đã mang căn bệnh hiểm nghèo. Suốt 2 năm qua chứng kiến con bị bệnh tật giày vò, chúng tôi đã rất xót xa. Thật may mắn khi các bác sĩ đã mang đến cho con tôi một cuộc đời mới. Nhìn thấy bé dần phục hồi, ăn uống, đùa giỡn với các cô điều dưỡng làm chúng tôi vô cùng hạnh phúc" - chị M.T.H, mẹ bé T., xúc động.

TS-BS Trần Công Duy Long cho biết thêm so với ghép gan người lớn, ghép gan trẻ em khó khăn hơn vì bệnh nhi rất mong manh, yếu ớt và nhạy cảm. Các bé còn quá nhỏ, việc chăm sóc cần sự tỉ mỉ, tinh tế để bé có thể hợp tác với các y - bác sĩ. Có thể nói các y - bác sĩ, đặc biệt là các cô điều dưỡng hồi sức gần như trở thành những người mẹ thứ 2, phải ôm ấp và dỗ dành bé để giúp bé mau hồi phục.

Trước đó không lâu, vào ngày 1-12-2021, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cũng ghép gan thành công cứu bé gái 7 tuổi bị teo đường mật đã mổ Kasai lúc 2 tháng. Sau mổ em nhập viện nhiều lần vì nhiễm trùng đường mật, gan xơ, lách rất to gây cường lách. Khi nhập viện chuẩn bị ghép gan bé gái bị dinh dưỡng nặng do chức năng gan rất xấu. Ca ghép gan này cũng là ca thành công đầu tiên của Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM do các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiến hành. Trước đây luôn có đoàn chuyên gia Bỉ trực tiếp hỗ trợ (từ ca ghép gan đầu tiên năm 2005 cho đến 2020).

Trung tâm ghép tạng phía Nam

BSCK2 Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ca ghép gan bệnh viện thực hiện mới đây đã đánh dấu một chặng đường mới của công tác tự chủ ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Từ thành công này việc ghép gan sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để cứu được nhiều hơn các bệnh nhi mắc bệnh gan. Phẫu thuật ghép gan được xem là phẫu thuật khó bậc nhất nhưng đây cũng là giải pháp điều trị hữu hiệu cho bệnh gan giai đoạn cuối.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nói "bí quyết" dẫn đến thành công của kỹ thuật ghép gan trẻ em là do sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau rất tốt giữa đội ngũ chuyên gia trong nước. Các bác sĩ Việt Nam đã tận dụng phát huy thế mạnh kinh nghiệm từ kỹ thuật ghép gan ở người lớn ứng dụng cho bệnh nhi, đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa: ngoại gan mật tụy, gây mê - hồi sức, hồi sức tích cực, phẫu thuật tim trẻ em, .

Theo các chuyên gia, ngoài ghép gan thì kỹ thuật ghép tim từ người cho chết não hiện nay cũng là phương pháp điều trị triệt để cho các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, đặc biệt là với các bệnh nhân đã được điều trị tối ưu bằng thuốc và các phương pháp điều trị tái đồng bộ thất mà vẫn không đáp ứng, hoặc đã từng bị đột tử nhưng hồi sức thành công.

Ghép tim từ người cho chết não hiện nay cũng đã thực hiện thành công tại các bệnh viện khu vực phía Bắc và miền Trung của Việt Nam qua các công trình nghiên cứu cấp quốc gia thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 (năm 2010), Bệnh viện Trung ương Huế (năm 2011), Bệnh viện Việt Đức (năm 2013).

TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết từ năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nghiên cứu học tập để ứng dụng kỹ thuật ghép tim. Bước đầu cũng đã thực hiện nhiều ca ghép tim thành công, hướng phát triển của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian tới là hình thành trung tâm ghép tạng lớn nhất phía Nam, bao gồm ghép tim, ghép gan và ghép thận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo