Bệnh lao cũng là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam với 33 trường hợp tử vong trên 100.000 dân, tức có khoảng trên 30.000 người chết do lao mỗi năm. Thông tin trên được đưa ra tại buổi mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao 24-3 do Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tổ chức vào sáng 19-3 tại TP HCM.
Theo TS-BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, mỗi năm Việt Nam có thêm gần 200.000 người mắc lao, trong đó bệnh lao đa kháng thuốc đang là thách thức lớn. Nước ta đang xếp thứ 14/27 quốc gia chịu gánh nặng về lao kháng thuốc cao, ước tính khoảng 5.000-6.000 người. Tỉ lệ lao đa kháng thuốc tại TP HCM vào khoảng 2,3%. Bên cạnh đó, tỉ lệ người lao động có HIV cũng khá cao, chiếm 7%.
Theo BS Dũng, để việc điều trị bệnh lao hiệu quả, ngăn ngừa lao đa kháng thuốc, bên cạnh nhân viên y tế, người bệnh rất cần sự hỗ trợ của thân nhân, cụ thể là việc nhắc nhở người bệnh uống thuốc. Theo khảo sát của chương trình chống lao thành phố năm 2013 ở tháng thứ 6 trong liệu trình, có đến 55,3% thân nhân không nhắc nhở người bệnh uống thuốc.
Kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống lao năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra thông điệp “Đạt thêm 3 triệu người xét nghiệm và phát hiện bệnh lao, tất cả mọi người đều được điều trị và chữa khỏi bệnh lao”. Hiện trên thế giới có khoảng 9 triệu người mắc bệnh lao mỗi năm và 1/3 trong số này chưa được tiếp cận với dịch vụ điều trị bệnh lao. Phần lớn trong số 3 triệu người này sống trong những cộng đồng có nguy cơ cao và nghèo đói nhất thế giới.
Tại Việt Nam, tỉ lệ phát hiện bệnh ước tính đạt 84% và điều trị thành công 93%. Tuy đã đạt được những mục tiêu của WHO nhưng trước mắt, chương trình còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, như bệnh lao đa kháng thuốc, những khó khăn về nhân lực trong mạng lưới chống lao, một tỉ lệ cao bệnh nhân cần sự hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần...
Bình luận (0)