Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khọc học Quốc gia Anh đã chứng minh tầm quan trọng của giấc ngủ đối với cơ thể con người.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Surrey đã tiến hành phân tích mẫu máu của 26 người sau khi yêu cầu họ ngủ rất nhiều, khoảng10 giờ/đêm. Sau đó, các nhà nghiên cứu đem kết quả này so sánh với mẫu máu mới cũng của những người này sau một tuần thiếu ngủ (ít hơn 6 giờ/đêm).
Kết quả, hơn 700 gien đã thay đổi. Do mỗi gien chứa các cấu trúc hình thành một protein nên những người ngủ ít khiến lượng protein sản xuất ra nhiều hơn, làm thay đổi cơ chế sinh học của cơ thể. Trong khi đó, khi đồng hồ sinh học cơ thể bị đảo lộn, một số gien tự nhiên bị suy yếu dần do thiếu ngủ.
Giáo sư Colin Smith từ Đại học Surrey cho biết hoạt động của các loại gien trong cơ thể thay đổi đáng kể do thiếu ngủ. Đặc biệt, thiếu ngủ dễ dẫn đến các nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch, phản ứng của cơ thể trước những tác nhân gây hại giảm cũng như dễ bị stress.
Giáo sư Smith nói thêm: “Rõ ràng, giấc ngủ rất quan trong trong việc phục hồi cơ thể và duy trì một số chức năng, chống lại những tác nhân gián tiếp khiến cơ thể bị bệnh. Nếu không kịp bổ sung và thay thế các tế bào mới, cơ thể sẽ bị thoái hóa”.
Tiến sĩ Akhilesh Reddy, một chuyên gia về đồng hồ sinh học tại Đại học Cambridge, cho biết nghiên cứu là phát hiện “lý thú”.
Ông nói rằng nghiên cứu đã chỉ ra tác động của giấc ngủ đối với các chứng viêm và hệ miễn dịch cùng các vấn đề về sức khỏe như bệnh tiểu đường. Đồng thời, nghiên cứu cũng là tiền đề cho việc tìm kiếm một loại thuốc nhằm loại bỏ những tác hại của việc thiếu ngủ.
Bình luận (0)