Sáng 7-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các nhà khoa học, đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin về công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức tìm giải pháp, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm đại trà cho nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19 tại Việt Nam. Ảnh: VGP
Thủ tướng nêu rõ 2 trụ cột của chiến lược vắc-xin là: Phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin trong nước. Cùng với đó, tiến hành bảo quản, tiêm vắc-xin nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân. Tất cả những công việc này phải tiến hành khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tại cuộc làm việc, các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cũng trao đổi về khả năng, tiềm lực, tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19, khó khăn, vướng mắc, yêu cầu, nhiệm vụ và đề xuất giải pháp trong sản xuất, bảo quản, tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trong thời gian tiếp theo.
Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19, trong đó, 1 ứng viên vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 2, đang chuẩn bị triển khai TNLS giai đoạn 3 (vắc-xin Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen); và 1 ứng viên vắc-xin đang TNLS giai đoạn 1 (vắc-xin COVIVAC của Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang). Về quy mô sản xuất của 2 cơ sở trên đạt từ 30-40 triệu liều/năm, có thể nâng công suất khi được đầu tư. Hiện, cũng có 2 doanh nghiệp khác ở trong nước đã tiếp cận, đang đàm phán với đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19, với quy mô sản xuất từ 200 đến 300 triệu liều/năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "chiến lược vắc-xin" là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Trong năm nay Việt Nam phải có đủ vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho 75 triệu người dân; những năm tiếp theo vẫn cần lượng lớn vắc-xin để tiếp tục tiêm phòng cho nhân dân.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vắc-xin có tính chất chiến lược, quyết định, lâu dài trong phòng, chống dịch nói chung và trong phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng. Do đó chúng ta phải thực hiện thành công "chiến lược vắc-xin". Các ngành, đơn vị phải coi vắc-xin phòng Covid-19 là sản phẩm xã hội chứ không chỉ là sản phẩm thương mại. Việc sản xuất được vắc-xin trong nước vừa góp phần vào phát triển công nghiệp dược của Việt Nam vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Thủ tướng cho rằng việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 là việc khó khăn, song phải thực hiện, vì chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, yêu cầu các ngành, đơn vị, các nhà khoa học cần có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm và hiệu quả từng công việc, giải pháp.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện ngay các giải pháp, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng được chương trình nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin trong nước. Trong đó: kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế pháp lý để việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin không bị chậm trễ; huy động tối đa các nguồn lực tài chính vào nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin, trong đó cơ chế công-tư là chủ đạo, trên nguyên tắc hài hòa, hợp lý, hiệu quả lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân; có ngay cơ chế, chính sách đãi ngộ tương xứng và truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần say mê nghiên cứu khoa học để huy động trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia cả ở trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin; các bộ, ngành giải quyết nhanh các quy trình, thủ tục liên quan, với tinh tần "chống dịch như chống giặc", song đảm báo tính khoa học, công khai, hiệu quả, chống tiêu cực; phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà sản xuất, quản lý và người dân để nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin kịp thời, hiệu quả; tuyên truyền, truyền cảm hứng để người dân hiểu, ủng hộ chương trình, trên tin thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo chung về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 và xây dựng chương trình quốc gia về sản xuất vắc-xin nói chung; giao Bộ Y tế thực hiện quản lý Nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin, dự báo tình hình cung cầu để điều tiết về mặt vĩ mô trong công tác sản xuất, cung ứng, tiêm vắc-xin theo thứ tự ưu tiên, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo báo cáo, đề xuất của Chính phủ với Bộ Chính trị, Quốc hội về cơ chế tài chính, nguồn lực con người, quy trình chuyển giao, sản xuất vắc-xin; giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu, soạn thảo đề xuất chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học, chuyên gia, lập trung tâm nghiên cứu vắc-xin, đảm bảo bản quyền vắc-xin; giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, xây dựng cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, điều kiện chi tiêu và giá cả vắc-xin phòng Covid-19...
Bình luận (0)