Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Y tế; Bộ Thông tin và Truyền thông truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ sau khi Báo Người Lao Động có bài "Mạnh tay xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật".
Văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
Nội dung văn bản có nêu, ngày 12-5, Báo Người Lao Động điện tử có bài "Mạnh tay xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật". Theo phản ánh của báo, từ cuối tháng 4-2020 đến ngày 8-5-2020 đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan có giải pháp phù hợp, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Trước đó, ngày 13-4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới. Tại Chỉ thi này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý ATTP phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra thị trường thực phẩm - Ảnh: Thái Bình
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết thời gian qua Cục ATTP cũng như các cơ quan chức năng liên quan đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt xử lý các đơn vị sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, lợi dụng hình ảnh cá nhân, tổ chức có uy tín để mượn danh quảng cáo, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép... vẫn rất phổ biến. Những "mánh khóe", chiêu trò của nhiều doanh nghiệp trong việc quảng cáo thổi phồng tác dụng các sản phẩm này ngày càng tinh vi.
Theo ông Phong, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đang quảng cáo sai quy định sẵn sàng không nhận trang web vi phạm là của mình, trong khi đó việc quản lý nội dung quảng cáo trên một số mạng xã hội, website có hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong nói về những sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
Ông Phong cho biết các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phổ biến là: Quảng cáo khi chưa có sự thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo không đúng với nội dung đã được thẩm định, quảng cáo "thổi phồng" công dụng của sản phẩm, sử dụng hình ảnh của bác sĩ, cơ sở, đơn vị y tế để quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng... Ngoài ra, tình trạng bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, facebook, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, không công khai nơi trưng bày, giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.
"Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội, dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hay đẩy lùi bệnh là hoàn toàn sai sự thật, người dân tuyệt đối không mua. Thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ chứ không thể điều trị dứt bệnh. Cục ATTP sẽ tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời công khai những trang web quảng cáo sai sự thật về sản phẩm để người tiêu dùng biết"- ông Phong nhấn mạnh.
Bình luận (0)