Thứ nhất, sự chuyển biến về tâm lý lứa tuổi vị thành niên với những đặc trưng riêng biệt chưa được quan tâm đúng mức. Các con đang dần định hình nhân cách, muốn thể hiện bản thân, khao khát khẳng định cái tôi cá nhân. Nhưng nếu thiếu sự định hướng cần thiết cộng hưởng với tác động của những kích thích xấu từ thế giới bên ngoài thì sẽ rất dễ lạc hướng, sa ngã.
Thứ hai, cách giáo dục trong chính mỗi gia đình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách mỗi học sinh. Nhiều bố mẹ ít quan tâm con cái, bỏ rơi con tự “bơi” trong các mối quan hệ xã hội. Càng cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, trẻ càng có xu hướng lao vào cuộc sống ảo, loay hoay trong các mối quan hệ phức tạp, tự phân xử và tự giải quyết mâu thuẫn của chính mình. Bên cạnh đó là mầm mống bạo lực đã nảy sinh trong không ít gia đình.
Thứ ba, giáo dục trong nhà trường còn nặng về kiến thức hàn lâm, đôi khi xem nhẹ, bỏ ngỏ vai trò giáo dục nhân cách, kỹ năng sống vẫn là lý thuyết suông. Các trung tâm tư vấn tâm lý học đường ít ỏi hoạt động chưa hiệu quả, thiết thực. Mặt khác, không thể phủ nhận thực tế đáng buồn là một bộ phận người làm công tác giáo dục đã đưa lối sống thực dụng, nặng về vật chất vào môi trường sư phạm khiến trẻ mất phương hướng, niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, bền vững.
Thứ tư, phim ảnh, truyện tranh, game online tràn ngập thị trường đầy tính bạo lực đang công kích dữ dội vào thế hệ trẻ. Các em đang thay đổi nhận thức, thái độ sống và dần xuôi theo những trào lưu tiêu cực. Đánh đấm không còn là chuyện to tát và ra tay đánh bạn, hạ nhục bạn bè trở thành một thú vui tiêu khiển của một bộ phận học sinh. Sự ảo tưởng về sức mạnh, danh tiếng làm trẻ chẳng sờn lòng, chùng tay chút nào. Mâu thuẫn từ mạng ảo dẫn đến dằn mặt, đánh đấm trong đời thực một một hệ lụy đáng buồn!
Soi rõ những “lỗ hổng” trong giáo dục thế hệ trẻ để xác định trách nhiệm, hành động của mỗi chúng ta là điều thật sự cần thiết. Nhiệm vụ tiên quyết vẫn là gia đình. Mỗi bố mẹ hãy làm bạn cũng con cái, phân định tâm lý lứa tuổi để nuôi dạy cho phù hợp. Đồng thời tránh cho trẻ tiếp xúc nhiều với các sản phẩm mang tính bạo lực cũng như phấn đấu trở thành một tấm gương chuẩn mực cho chính con cái. Nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục kĩ năng sống để trẻ biết kiềm chế bản thân và nhận thức được hành động, hậu quả của mình. Xã hội hãy quản lý chặt chẽ, ngăn chặn triệt để các hành động có hại đến môi trường văn hóa…
Bình luận (0)