Bạn đọc đã gửi thư hỏi chúng tôi về tác dụng phụ của thuốc trị tăng huyết áp, đặc biệt là thuốc thuộc nhóm ức chế canxi (calci). Điển hình là câu hỏi: "Được biết nifedipin là loại thuốc ức chế canxi, xin hỏi nếu uống lâu dài có bị thiếu canxi máu gây loãng xương hay không? Có thể thay nifedipin bằng loại thuốc hạ huyết áp nào mà không gây ho, không gây phù chân, không làm mất canxi và tim không bị đập nhanh? Xin có một số ý kiến giải đáp.
Không nên tham khảo người không phải là bác sĩ trực tiếp điều trị Ảnh: BBC
Thuốc trị bệnh tăng huyết áp có nhiều nhóm thuốc, trong đó có nhóm gọi là "thuốc ức chế canxi". Nhóm thuốc ức chế canxi còn có tên gọi khác như "thuốc chẹn kênh canxi", "thuốc đối kháng canxi".
Để hiểu rõ tại sao thuốc có tên "ức chế canxi", trước hết ta cần biết hiện tượng co mạch máu trong cơ thể sẽ dẫn đến tăng huyết áp. Huyết áp có thể xem như áp lực cần có để đẩy máu đi xuyên qua các mạch máu để đến khắp nơi trong cơ thể. Vì vậy, nếu mạch máu co lại, huyết áp phải tăng lên- tức tăng huyết áp- mới đẩy máu đi được. Mạch máu được cấu tạo bằng các tế bào cơ trơn. Trên màng tế bào cơ trơn của mạch máu, có những ống nhỏ gọi là "kênh". Khi ion canxi từ bên ngoài tế bào di chuyển theo kênh vào bên trong tế bào cơ trơn sẽ làm cơ trơn co lại, gây co mạch làm tăng huyết áp. Như vậy, nếu có thuốc ức chế làm cho canxi bị chẹn lại không theo kênh để di chuyển vào bên trong tế bào cơ trơn, cơ trơn mạch máu không co nữa mà giãn ra, thế là huyết áp được hạ xuống.
Thuốc có cơ chế tác dụng như vậy nên mới có tên "thuốc ức chế canxi" hay "thuốc chẹn kênh canxi" hoặc "thuốc đối kháng canxi". Thuốc chỉ có tác dụng ngăn không cho canxi di chuyển vào bên trong tế bào cơ trơn mạch máu chứ hoàn toàn không ảnh hưởng đến lượng canxi từ thực phẩm chúng ta ăn được hấp thu vào máu. Tức là, thuốc ức chế canxi không gây tình trạng thiếu canxi để đưa đến loãng xương như bạn đề cập trong thư. Vì vậy, người bệnh dùng thuốc nifedipin là một thuốc ức chế canxi hoàn toàn yên tâm, không phải lo lắng vì thuốc không cản trở sự hấp thu canxi vào máu, chứ không gây tình trạng thiếu canxi. Tuy nhiên, thuốc vẫn có những tác dụng phụ khác (nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nhức đầu, dị ứng, phù chân…) đòi hỏi dùng thuốc phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị, tức bác sĩ khám, ghi đơn thuốc mới mua thuốc dùng và trong thời gian điều trị, bác sĩ sẽ giúp xử trí tác dụng phụ của thuốc nếu xảy ra. Riêng tác dụng phụ gây ho khan thường gặp ở thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển (như captopril, enalapril, lisinopril, perindopril...) và rất ít gặp ở thuốc ức chế canxi (nifedipin, nicardipin, amlodipin…)
Ta nên lưu ý, tất cả các loại thuốc trị bệnh tim mạch đều gây tác dụng phụ, nếu không gây tác dụng phụ loại này thì cũng gây tác dụng phụ loại khác. Vì vậy, trường hợp của bạn nên tái khám ở bác sĩ đã điều trị bệnh của bạn trước đây, kể rõ các tác dụng phụ đã gây khó chịu đối với bạn (như ho khan, bị phù…), để bác sĩ thay đổi chế độ dùng thuốc, hoặc dùng thuốc cũ với liều thấp hơn phối hợp với thuốc khác hoặc hoàn toàn thay thế bằng thuốc khác. Thí dụ, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc thuộc nhóm đối kháng thụ thể angiotensin II (như losartan, irbesartan, valsartan...) vì thuốc nhóm này không trực tiếp ức chế men chuyển nên gần như không gây ho khan như nhóm ức chế men chuyển, hoặc không gây phù như thuốc ức chế canxi. Riêng tác dụng phụ gây tim đập nhanh cũng thế, nên báo cho bác sĩ biết. Hoàn toàn không nên tham khảo người không phải là bác sĩ trực tiếp điều trị và tự ý thay đổi thuốc theo ý kiến của bất cứ người nào không phải là bác sĩ điều trị cho mình, vì có thể gây bất lợi cho việc điều trị, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe do việc thay thế thuốc không phù hợp.
Bình luận (0)